Nhiều công ty ở khu vực châu Á đang ở rất gần điểm không thể trả được lãi định kỳ của các khoản vay, trong khi các hộ gia đình của Úc và Hàn Quốc đang vay nợ ở một mức dễ đổ vỡ, ở Việt Nam thì sao?
Từ chuyện quốc tế
Từ chuyện quốc tế
Con số đáng chú ý trong báo cáo này là hơn 35% số công ty ở Trung Quốc và 40% công ty ở Ấn Độ có hệ số khả năng thanh toán lãi vay (interest coverage ratio - lấy lợi nhuận trước lãi vay và thuế chia cho lãi vay) dưới 1,5. Có người sẽ hỏi vì sao mức 1,5 là đáng quan tâm? Vì dưới mức này nghĩa là phần lớn lợi nhuận của công ty đều là đem đi trả lãi vay mà thôi, và nếu lợi nhuận giảm bất ngờ hơn 20%, DN sẽ gần như làm bao nhiêu đem ra trả lãi vay hết.
Nhà điều hành sẽ đặt cược vào cửa tăng trưởng kinh tế dựa trên BĐS và vay nợ hay chọn giải pháp thận trọng, thậm chí là hơi bảo thủ để giữ vững an toàn hệ thống? |
Ngân hàng thanh toán quốc tế Bank of International Settlements (BIS) gần đây đã cảnh báo, nhiều công ty có điểm tin cậy tín dụng cực thấp ở Mỹ và Anh vẫn đang vay nợ rất nhiều. Họ ví von tình trạng này tương tự như trạng thái các khoản cho vay mua nhà dưới chuẩn ở Mỹ trước khủng hoảng 2007.
Nói đơn giản, DN đầy rủi ro vẫn có thể phát hành một số TP rủi ro cao (junk bonds), nhưng lãi suất lại không quá cao – do nhiều thủ thuật tài chính và pháp lý tạo ra. Nhưng mặt khác, cũng phải kể đến sự giúp đỡ không nhỏ của những định chế tài chính phi ngân hàng, không bị chế tài chặt chẽ về an toàn vốn, dám cung cấp vốn cho các DN đó. Kết quả là có thể đã có một sự định giá sai rủi ro các khoản vay này trên thị trường khiến nhiều DN đầy rủi ro vẫn vay được nợ.
Tới chuyện Việt Nam
Trong bối cảnh quốc tế như vậy, thị trường TPDN Việt Nam cũng phát triển khá mạnh 2 năm trở lại đây. Gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã lưu ý, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành TPDN sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.
Điều được giới chuyên gia đặc biệt lưu ý là thị trường TPDN bất động sản (BĐS). Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện có khoảng 60.000 tỷ đồng TPDN đã được phát hành trong nửa đầu năm nay. Còn theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), con số này khoảng 70.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1/3 lượng phát hành thuộc về nhóm DN BĐS.
Trong bài viết “Cẩn trọng rủi ro TP BĐS” đăng trên ĐTTC của tác giả Lưu Thủy, không khó nhận ra các vấn đề cốt lõi của những TP này: (1) lãi suất cao; (2) chưa có xếp hạng tín nhiệm; và (3) muốn xếp hạng cũng khó vì báo cáo tài chính thiếu rõ ràng.
Quan trọng hơn nữa, những DN BĐS lại hoạt động trong một lĩnh vực đã tăng trưởng rất nóng trong năm vừa qua và có dấu hiệu chững lại ở một số phân khúc và khu vực. Điều này đặt ra rủi ro cho các nhà đầu tư mua TP. Và hiện tại, theo nhiều kênh phân phối, đã có nhà đầu tư cá nhân mua TP DN.
Tại một tọa đàm về cổ phiếu BĐS, xây dựng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho biết TPDN vốn là cuộc chơi của các tổ chức chuyên nghiệp nhưng trong nửa đầu năm lại có khoảng 7% nhà đầu tư cá nhân rót tiền tham gia. Liệu những cá nhân này đã được thông tin đầy đủ hay có đủ khả năng đánh giá rủi ro của các khoản đầu tư vào TP DN?
Lựa chọn khó khăn
Lựa chọn khó khăn
Bài học ở các nước phát triển không giúp ích gì nhiều cho Việt Nam hiện tại khi mà có muôn hình vạn trạng biến tướng trên thị trường TPDN quốc tế hiện nay. Và như nói ở trên, bản thân những thị trường phát triển như Mỹ hay Anh cũng đang đối mặt với những nguy cơ từ những TPDN dưới chuẩn với đủ chiêu biến tướng.
Tất nhiên, để hạn chế tình trạng DN rủi ro cỡ nào cũng có thể phát hành TP, cần có những tổ chức xếp hạng tín nhiệm, yêu cầu công bố thông tin và những quy chuẩn phát hành chặt chẽ hơn, hạn chế DN nợ quá lớn, lỗ lũy kế cũng có thể phát hành TP. Đồng thời có thể giới hạn một số loại TP nhiều rủi ro chỉ có thể bán cho nhà đầu tư tổ chức thay vì cá nhân.
Thế nhưng nếu làm quá chặt, đặt một mức giới hạn quá khó về điều kiện phát hành TP và giới hạn chủ thể có thể tham gia đầu tư TP thì có thể dẫn đến việc bóp nghẹt một kênh vốn của thị trường BĐS trong bối cảnh kênh vốn ngân hàng đã bị thắt chặt. Quá thiếu vốn cũng có thể dẫn đến đóng băng một số phân khúc BĐS và tạo ra vỡ nợ DN với quy mô lớn.
Vấn đề đặt ra ở đây, nhà điều hành sẽ đặt cược vào cửa tăng trưởng kinh tế dựa trên BĐS và vay nợ hay chọn giải pháp thận trọng, thậm chí là hơi bảo thủ để giữ vững an toàn hệ thống. Không có một giải pháp vẹn cả đôi đường ở đây, mà chỉ là lựa chọn một điểm đánh đổi chấp nhận được. Và để chuẩn bị cho tình hình xấu nhất, Nhà nước có thể phải dự trù một giải pháp hỗ trợ thị trường TP trong bối cảnh đổ vỡ xảy ra, chẳng hạn như vỡ nợ dẫn đến bán tháo TP hàng loạt.