Đấu giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm thao túng thị trường: Xử lý cách nào?

(ĐTTCO)-Chiều 8/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên
Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Thao túng giá khởi điểm, đấu giá rất cao rồi bỏ cọc

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện...

Tuy nhiên, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về đấu giá tài sản hình thành trong tương lai. Ví dụ, dự án bất động sản là các căn hộ, nhà ở… mà người mua đã đặt cọc hoặc thanh toán một phần giá trị tài sản theo hợp đồng; quyền sở hữu trí tuệ như các phát minh, sáng chế, giải pháp, phần mềm, công nghệ.

Trong khi đó, thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, đấu giá rất cao rồi bỏ cọc gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo nhằm thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo…

Theo đại biểu đoàn Điện Biên, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.

“Tuy nhiên, trong thực tế, khi hành vi của các chủ thể trong diễn biến của các phiên đấu giá đã cho thấy sự không bình thường, hoặc quá vô lý thì chưa thấy có quy định phải làm gì, hay hoãn, hoặc dừng phiên đấu giá để phân tích, đánh giá tình hình”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

Dẫn thực tế, thời gian qua, đã có một số dự án do Nhà nước hay Doanh nghiệp nhà nước đầu tư làm ăn thua lỗ nhưng chậm được xử lý có liên quan đến việc định giá tài sản và tổ chức đấu giá gặp nhiều khó khăn, đại biểu Yên nêu ví dụ như Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam ở tỉnh Long An kéo dài hàng chục năm, gây lãng phí tài chính công.

“Cần quy định chi tiết hơn về năng lực bộ máy, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có liên quan đến xử lý, đấu giá tài sản công, tài sản doanh nghiệp nhà nước trong những trường hợp tương tự nhằm đảm bảo cho cuộc đấu giá được công khai, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội”, đại biểu Yên đề nghị.

Đề xuất bổ sung thêm mức giá theo phần trăm ngoài mức giá tối đa, tối thiểu

Cũng nêu ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, mức giá khởi điểm khá thấp.

“Chẳng hạn về đấu giá số điện thoại, mức giá khởi điểm chỉ khoảng 262.000 là quá thấp và là số lẻ”, ông Cảnh nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Nêu thực tế, có một số tài sản, giá khởi điểm thấp, giá trúng lại cao gấp vài nghìn lần, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị điều chỉnh lại mức giá linh hoạt hơn. Ông cũng đề nghị bổ sung thêm mức giá theo phần trăm (%) ngoài mức giá tối đa, tối thiểu, cố định trong dự luật.

“Chẳng hạn khi đấu giá số điện thoại, giá khởi điểm là 262.000 đồng nhưng khi đấu giá lên đến 1 triệu đồng, mức giá tiếp theo nên là 5% của 1 triệu đồng; khi đến 100 triệu, mức tiếp theo là 5% của 100 triệu. Như vậy, mức đấu giá sẽ phù hợp”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu ví dụ.

Ông Cảnh cho hay, thực tế, trong thời gian đấu giá biển số ô tô, có nhiều biển được trả rất cao.

“Nhiều biển số được đấu giá lên đến hàng tỉ đồng nhưng người sau có khi chỉ cần thêm 5 triệu là đã thắng. Như vậy rất vô lý. Khi đã ở mức 1 tỉ đồng, giá sau cần trả cao hơn khoảng 50 triệu như vậy mới hợp lý”, ông Cảnh nêu quan điểm và cho rằng, “người ta đã sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ thì họ không chi li lắt nhắt vài triệu”.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh góp ý kiến về quy định bỏ kết quả đấu giá. Theo đó, nếu người đấu giá chứng minh được, họ có yếu tố bất khả kháng dẫn đến bỏ đấu giá như mất tài sản, lũ lụt, gặp tai nạn thì có thể được chấp nhận, không bị xử lý còn không thì nên cấm người đó đấu giá tài sản trong khoảng thời gian.

Trong trường hợp người trúng đấu giá không nhận, ông Cảnh đề xuất cho phép người đấu giá cao thứ hai có quyền được nhận tài sản để hạn chế không phải đấu giá lại, mất thời gian và công sức.

Các tin khác