Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu WTI tiến 1.80 USD (tương đương 2.6%) lên 69.95 USD/thùng. Hồi đầu phiên, hợp đồng này dao động ở mức cao 72.93 USD/thùng, mặc dù sau đó giảm xuống trong phiên và không thể giữ được mốc quan trọng 70 USD/thùng.
Dầu WTI đã “bốc hơi” 13% vào ngày 26/11, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Hợp đồng dầu WTI cũng khép phiên rớt mốc trung bình động 200 phiên – một chỉ báo kỹ thuật quan trọng – lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020.
Hợp đồng dầu Brent cộng 0.99% lên 73.44 USD/thùng. Hợp đồng này đã sụt 11.55% vào ngày 26/11, và cùng dầu WTI ghi nhận 5 tuần giảm liên tiếp.
“Đà lao dốc vào ngày 26/11 là quá mức”, chuyên gia phân tích tại Commerzbank nhận định. “Phải thừa nhận rằng biến thể Omicron dẫn đến lo ngại về nhu cầu, nhưng vẫn chưa thể đưa ra bất kỳ con số nghiêm túc nào về tác động thực sự của điều này đối với nhu cầu”.
Ngay trước khi giảm mạnh vào ngày 26/11, giá dầu đã có xu hướng suy yếu sau khi dầu WTI chạm đỉnh 7 năm trên 85 USD/thùng vào tháng 10/2021. Dầu Brent ghi nhận mức cao nhất trong 3 năm vào tháng trước.
Các chuyên gia phân tích tại RBC nói rằng một số động thái bán tháo vào ngày 26/11 có thể là do các nhà đầu tư chốt lời.
Diễn biến trồi sụt của dầu diễn ra trước khi có cuộc họp quan trọng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, tại đó nhóm OPEC+ sẽ đưa ra quyết định về chính sách trong tháng 01/2022.
Ngoài ra, OPEC+ sẽ đánh giá quỹ đạo cung cầu sau khi Mỹ và các quốc gia khác vào tuần trước công bố kế hoạch khai thác Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) trong nỗ lực hạn chế sự tăng vọt giá nhiên liệu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước Mỹ sẽ giải phóng 50 triệu thùng từ SPR.