Đó là ý kiến nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu trong tiến trình chuyển đổi số” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức hôm nay 29-9.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến giao thương xuất khẩu chịu tác động nặng nề, đầu ra cho nông sản qua kênh TMĐT là một trong những giải pháp cần thiết.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến, các chuyên gia cho rằng để TMĐT thực sự là kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, đòi hỏi các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng cần phải chuyên nghiệp hơn, hướng đến trải nghiệm của khách hàng bằng mô hình sản xuất bền vững.
“Trong những năm 2019 – 2020, mỗi năm chúng tôi đi đến từ 25-30 tỉnh thành để phối hợp với các địa phương hỗ trợ, tập huấn cho các gia đình, cá nhân, DN về việc tham gia và sử dụng TMĐT như một kênh trao đổi, tiêu thụ hàng hóa hiệu quả. Nếu như không chú ý đến TMĐT thì đây sẽ là khoảng trống lớn cho các địa phương. Ngoài ra, TMĐT đặc biệt quan trọng với lao động nữ, nhất là trong bối cảnh thiếu việc làm do dịch Covid-19, phụ nữ có thể bán hàng trong lúc thiếu việc làm và cũng là cách tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, sàn TMĐT trong những năm gần đây đã tỏ rõ là kênh đầu ra cho nông sản hiệu quả như đã đưa sản phẩm dừa ở Bến Tre, sen Đồng Tháp lên online và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên một số sàn TMĐT. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã xem TMĐT là kênh dành để hỗ trợ du lịch online, chuẩn bị vực dậy ngành du lịch và hỗ trợ cho đầu ra các sản phẩm đi kèm dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, theo đại diện VECOM, thực tế cho thấy sự phát triển TMĐT tại nhiều địa phương lại chưa xứng tầm. Cán cân TMĐT tại Việt Nam hiện nay đang bất cân xứng. Các địa phương vùng nông thôn chính là nơi sản xuất, tạo ra nông sản và là thị trường rộng lớn, song TMĐT ở các khu vực này chỉ phát triển không đến 30% cơ cấu TMĐT, trong khi hơn 70% còn lại tập trung ở các đô thị lớn (chủ yếu là Hà Nội và TPHCM). Do đó, trong tương lai, cần thu hẹp khoảng cách chênh lệch này với mục tiêu kỳ vọng tỷ lệ phát triển TMĐT nông thôn – thành thị là 50/50%.
Bên cạnh đó, các cá nhân, hộ gia đình bán hàng trực tuyến (bao gồm nông sản) hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn khi vẫn chưa được trang bị kiến thức xuất hiện trên online, tiếp nhận thanh toán, xử lý tranh chấp khi quá trình mua bán hàng hóa xảy ra sự cố.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên VIAC, TMĐT đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số và hỗ trợ xuất khẩu nói chung, nông sản nói riêng. Hiện nay Việt Nam cần phải sớm xây dựng hệ thống công cụ và cơ chế truy vết sản xuất hàng hóa, sản phẩm. Cùng với đó, hàng hóa phải có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh, tôn trọng luật pháp quốc tế.
“Bản chất là sản xuất như thế nào, có cơ chế tự động thông minh tham gia quá trình sản xuất để tạo ra năng suất lao động cao và giá trị gia tăng cho sản phẩm hay không, có đáp ứng được trải nghiệm của khách hàng dù bán online hay offline hay không, đây là những vấn đề trọng tâm”, ông Hoa cho hay.
Báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%; riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT nước ta đạt 52 tỷ USD. |