Từ đấu thầu...
Cuối tháng 4, Sở GTVT TP.HCM đã đấu thầu thành công 4 tuyến xe buýt gồm tuyến số 1 (Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn); tuyến số 15 (Bến Phú Định - Bến xe buýt Đầm Sen); tuyến số 65 (Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe An Sương); tuyến số 152 (khu dân cư Trung Sơn - sân bay Tân Sơn Nhất).
Đại diện Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP cho biết sau 4 tuyến đầu tiên thành công, đơn vị này đang tổ chức đấu thầu tiếp 2 tuyến số 4 và 43, cũng áp dụng Bộ tiêu chí KPI.
Ngoài ra, trong năm 2021, sẽ tiếp tục khảo sát phương án tuyến, trình phê duyệt làm cơ sở để đấu thầu thêm 39 tuyến. Trước mắt, chủ trương của Sở GTVT là sẽ đưa những tuyến xe buýt đã hết thời gian khấu hao hoặc những tuyến xe buýt mở mới, đầu tư mới ra đấu thầu, tiến đến năm 2023 sẽ đấu thầu tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP.
Theo thống kê của Sở GTVT TP, hiện nay toàn TP có 127 tuyến xe buýt đang hoạt động. Trong đó, có 12 đơn vị vận tải hoạt động trên 90 tuyến xe buýt có trợ giá, theo phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Với hình thức này, mỗi năm nhà nước phải chi ngân sách để trợ giá cho DN hoặc hợp tác xã khai thác.
… tiến tới nhượng quyền xe buýt?
Nhu cầu hành khách hiện là thách thức cực lớn đối với DN xe buýt. Nếu không cương quyết song hành thực hiện lộ trình hạn chế xe cá nhân thì không chỉ xe buýt mà tương lai là BRT, metro cũng sẽ khó thành công. TS Lương Hoài Nam |
Trước TP.HCM, thủ đô Hà Nội đã triển khai đấu thầu thành công 16 tuyến xe buýt từ cách đây 14 năm. Tuy nhiên một thập niên sau đó, số lượng các tuyến xe buýt được xã hội hóa vẫn “giậm chân tại chỗ”. Qua nhiều lần điều chỉnh điều kiện, tháo gỡ khó khăn, Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu trong công cuộc xã hội hóa xe buýt.
Mới đây, địa phương này vừa triển khai xong đấu thầu 68 tuyến xe buýt để mở rộng cho tất cả các nhà đầu tư, DN có năng lực, đáp ứng điều kiện tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Thông qua việc tổ chức đấu thầu 68 tuyến, Hà Nội đã thay mới được 139 phương tiện (thay thế toàn bộ các xe hoạt động trên 10 năm) với tổng chi phí đầu tư phương tiện hơn 408 tỉ đồng. Các phương tiện đều đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, được trang bị thêm các tiện ích trên xe.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, nhận định việc tổ chức đấu thầu xe buýt là hướng đi tốt, tạo bước đầu để TP.HCM tiến tới hình thành những DN vận tải chuyên nghiệp, “thoát” trợ giá từ ngân sách.
Tuy nhiên, trong quá trình đấu thầu, xã hội hóa cần lưu ý: Đấu thầu từng tuyến xe buýt là cách làm khó khăn vì DN sẽ chỉ quan tâm đến những tuyến có tiềm năng, có lãi. Trong khi đó, có nhiều tuyến không có tiềm năng, khả năng sinh lời thấp nhưng về mặt dịch vụ công vẫn cần có kết nối giao thông công cộng, thì sẽ khó thu hút nhà thầu.
Do đó, từ cách đấu thầu các tuyến, TP nên mở rộng mô hình nhượng quyền xe buýt ở quy mô lớn, có thể học tập mô hình Hồng Kông. Họ có 5 DN vận tải xe buýt, đều là DN tư nhân và nhà nước không trợ giá mà ngược lại, các DN phải trả tiền nhượng quyền khai thác cho chính quyền.
“Hình thành các DN vận tải chuyên nghiệp, có bộ máy tổ chức điều hành quản lý, có môi trường để ứng dụng công nghệ, nâng cao các chuẩn mực dịch vụ là yếu tố tiên quyết để TP.HCM có thể phát triển xe buýt. Mô hình hợp tác xã như hiện nay rất khó để chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ, không phải môi trường cho phép ứng dụng công nghệ, đầu tư để phát triển xe buýt. Song song, chính quyền TP phải có chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, giảm phương tiện cá nhân để các DN thắng thầu có điều kiện cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh doanh”, ông Nam đề xuất.