Từ cuối năm 2007, cư dân toàn cầu luôn bị đe dọa bởi 3 cuộc khủng hoảng, mà giới chuyên gia gọi là “khủng hoảng 3F”: lương thực (food), nhiên liệu (fuel) và tài chính (financial). Nhưng có một giải pháp chung cho cả 3 cuộc khủng hoảng này, đó là đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp.
Kết thúc Hội nghị toàn cầu về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu (AFC) lần thứ 2 tại Việt Nam (diễn ra từ ngày 3 đến 6-9), 3 cơ quan của Liên hiệp quốc (LHQ) gồm Tổ chức Nông Lương (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ra tuyên bố chung kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế nhanh chóng phối hợp hành động để đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao.
Nguy cơ khủng hoảng lương thực
Theo tuyên bố chung của các cơ quan này, thế giới đang đứng trước nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008. Mùa màng thất bát ở những nước sản xuất lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ hạ dự báo sản lượng nông nghiệp xuống mức thấp nhất 25 năm. Một đợt hạn hán nghiêm trọng sẽ khiến sản lượng lúa mì năm 2012 ở Kazakhstan chỉ còn 1/2 mức 26,9 triệu tấn đạt được năm 2011 và Nga hạ dự báo sản lượng ngũ cốc năm nay xuống còn 75-85 triệu tấn, từ mức 94 triệu tấn hồi năm ngoái.
Hạn hán nghiêm trọng đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. |
Hiện giá bắp và lúa mì giao cuối năm đã tăng hơn 40% trong tháng 8. Đây là mức tăng đáng lo ngại. Trước đó, trong tháng 7, giá bắp tăng 23% và giá lúa mì tăng 19%. Chỉ số FPI tháng 7 của FAO tăng 6 điểm phần trăm so với tháng 6. Dù chỉ số FPI thấp hơn mức cao nhất 238 điểm hồi tháng 2-2011 nhưng vẫn cao hơn mức trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008. Chỉ số FPI dùng để đo các thay đổi về giá hàng tháng của một rổ các loại lương thực gồm hạt có dầu, sản phẩm từ sữa, thịt và đường.
Giá lương thực tăng cao khiến các nước nghèo phải trả nhiều tiền hơn cho lương thực. Theo ước tính của WFP, giá lương thực tăng 10% sẽ khiến thế giới mất thêm 200 triệu USD/năm để hỗ trợ lương thực cho các nước nghèo. Trong khi đó, Viện Xuyên quốc gia (Transnational Institute - một mạng lưới các học giả toàn cầu thành lập từ năm 1974) ước tính thế giới hiện có 1 tỷ người có nguy cơ chết đói và 1 tỷ người bị suy dinh dưỡng do thiếu ăn. Một phúc trình mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho biết giá lương thực tăng 10% sẽ làm các cuộc bạo động tăng 100%, và bạo động sẽ tăng 300% nếu giá lương thực tăng 20%.
Bài học năm 2007-2008
Tình hình càng xấu hơn khi sức ép an ninh lương thực có thể khiến nhiều nước xuất khẩu áp dụng những biện pháp kiềm chế như cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008. Các nước sản xuất lương thực tại khu vực Biển Đen, đặc biệt là Nga, có thể xem xét hạn chế xuất khẩu ngũ cốc do hạn hán tại địa phương khiến giá ngũ cốc bắt đầu tăng lên. Các quan chức Nga ngày 8-8 không loại trừ khả năng bắt đầu áp đặt thuế xuất khẩu ngũ cốc trong năm 2013.
Trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008, các nước sản xuất lương thực lớn đều áp dụng một loạt biện pháp để hạn chế xuất khẩu lương thực bao gồm lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn, hạn chế hạn ngạch xuất khẩu, đưa ra mức thuế cao… Những biện pháp này làm giảm nguồn cung cấp lương thực trên thị trường quốc tế, khiến giá lương thực càng cao.
“Tình hình lương thực có khả năng tương tự như năm 2007-2008. Chúng tôi hy vọng lần này các nước không dùng chính sách can thiệp thị trường để giải quyết cuộc khủng hoảng. Không thực hiện bất kỳ biện pháp gì sẽ tốt hơn lặp lại các chính sách của năm 2007-2008” - ông Abdolreza Abbassian, chuyên gia phân tích cao cấp của FAO, nói.Trong tuyên bố, các cơ quan của LHQ đặc biệt cảnh báo trong trường hợp giá lương thực tăng cao, các nước nên tránh việc mua vào quá ồ ạt, gây hoảng loạn trên thị trường, các nước sản xuất chủ chốt cũng không áp đặt hạn chế xuất khẩu, để có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực.
Cần giải pháp bền vững
Phát ngôn viên của tổ chức từ thiện Oxfam, ông Colin Roche, nói giá lương thực tăng cao không chỉ do mùa vụ thu hoạch kém bởi hạn hán ở Hoa Kỳ và các nơi khác mà cơ chế lương thực thiếu tính linh hoạt là nguyên nhân quan trọng.
Theo 3 cơ quan Liên hợp quốc, trong tương lai các nước cần tìm giải pháp lâu dài cho sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ lương thực nhằm thích ứng với sự thay đổi về dân số, nhu cầu và sự biến đổi khí hậu ngày một gia tăng. Các chính phủ cần hỗ trợ những nông dân canh tác quy mô nhỏ, xem xét lại chính sách nhiên liệu sinh học, nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì vậy, giải pháp tốt nhất cho thế giới hiện nay là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là ở các nước nghèo và các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Tuyên bố cũng kêu gọi khắc phục tình trạng lãng phí lương thực, ước tính gây thiệt hại tới 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu hàng năm. Các nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp và an sinh xã hội, xem xét và điều chỉnh các chính sách hiện hành, trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu chịu áp lực tăng giá và các nguồn cung đang giảm dần.
Trong thực tế, từ sau khủng hoảng lương thực 2007-2008, nhiều quốc gia cũng nhận ra rằng cần tăng cường đầu tư nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, tránh những xáo trộn như “mùa xuân Ả Rập”. Trong khi đó, các quỹ đầu tư tìm đến nông nghiệp như kênh đầu tư thay thế trong bối cảnh thị trường tài chính gặp nhiều sóng gió.
------------
Kỳ 2: Cơn sốt đất nông nghiệp