Đầu tư tỷ đô, hiệu quả chưa rõ

(ĐTTCO) - Tổng mức đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất theo tính toán của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) khoảng 1,8 tỷ USD, nhưng hiệu quả kinh tế dự án theo tính toán của BSR dựa trên thiết kế tổng thể dự án (FEED) thấp, với dòng tiền âm. 
Tỷ suất sinh lời dự án (IRR) chưa đáp ứng mức sinh lời kỳ vọng theo quy định của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Tiếp tục xin ưu đãi

Đánh giá hiệu quả kinh tế dự án trên cơ sở kết quả lập dự toán xây dựng công trình được nhà thầu AFW (Vương quốc Anh) thực hiện với cơ chế thuế hiện hành, Nhà nước không thu điều tiết và không cấp bù, giá dầu thô cơ sở từ 50-70 USD/thùng, hiệu quả kinh tế dự án ở thời điểm hiện tại có tỷ suất sinh lời khoảng 8,67%, giá trị hiện tại ròng (NPV) âm 188,3 triệu USD.
Như vậy chỉ số do AFW tính toán thấp hơn nhiều so với phương án được duyệt trong giai đoạn lập dự án đầu tư (DFS), với chỉ số IRR đạt 12,7% và NPV đạt 375 triệu USD.

Trong trường hợp vì lý do hiệu quả kinh tế không đạt kỳ vọng, dự án  không được triển khai, sản phẩm của NMLD Dung Quất sẽ không đủ tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước, phải tìm thị trường để xuất khẩu. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến công tác vận hành sản xuất của nhà máy, dẫn đến có thể phải giảm công suất, hoặc dừng hoạt động của nhà máy.
Hiện PVN đang yêu cầu BSR tổ chức đánh giá, phân tích lại các nguyên nhân, yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế dự án. Kết quả cho thấy có 3 nguyên nhân dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư dự án được PVN chỉ ra: cơ chế ưu đãi thuế nhập khẩu đối với sản phẩm của nhà máy bị thay đổi.
Cụ thể, trong giai đoạn lập DFS (năm 2012) BSR vẫn được hưởng cơ chế tài chính ưu đãi 3, 5 và 7% đối với sản phẩm xăng, dầu và khí hóa lỏng do nhà máy sản xuất. Cơ chế ưu đãi thuế này đã kết thúc vào thời điểm đầu tháng 9-2016, sau đó áp dụng thu điều tiết 10% với sản phẩm xăng, và kể từ 1-1-2017 bãi bỏ quy định về thu điều tiết. Đồng thời, do ảnh hưởng của Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu xăng cũng được giảm từ 20% xuống 10%. Sự thay đổi cơ chế ưu đãi thuế làm cho hiệu quả kinh tế dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất giảm 4%.

Hơn nữa, chi phí vận hành dự án tính khi DFS thấp hơn so với tính toán tại FEED. Tại DFS chi phí vận hành NMLD Dung Quất khi chưa mở rộng công suất 95 triệu USD/năm, nhưng chi phí vận hành theo tính toán của nhà thầu AFW trong thiết kế tổng thể sau khi mở rộng lại tăng lên 189,7 triệu USD/năm.
Điều này làm cho IRR giảm 1,3%. Bên cạnh đó, việc thay đổi giá dầu thô cơ sở từ 50-70 USD/thùng theo tính toán của thiết kế tổng thể dự án không gây ảnh hưởng bất lợi đối với hiệu quả kinh tế, ngược lại làm tăng hiệu quả khoảng 1,4%.

Trong quá trình PVN làm việc với các đối tác tiềm năng nước ngoài như PDVSA (Venezuela), JX Nippon (Nhật Bản), SKE (Hàn Quốc) và Gazprom Neft (Liên bang Nga) để nghiên cứu khả năng hợp tác triển khai dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, các đối tác nước ngoài đều kiến nghị Chính phủ xem xét cấp bổ sung cơ chế ưu đãi cho dự án, đặc biệt ưu đãi các mức thuế 3, 5 và 7% cho các sản phẩm xăng, dầu, khí hóa lỏng của dự án.
Theo tính toán của PVN và các đối tác, nếu không có ưu đãi dự án không hiệu quả, không đáp ứng kỳ vọng đầu tư. Vì các đề xuất ưu đãi không được Chính phủ thông qua nên thời gian qua các đối tác nước ngoài đã rút khỏi dự án.  Để nâng cao hiệu quả kinh tế dự án, PVN đang yêu cầu BSR tối ưu hóa, cắt giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, tối ưu hóa quá trình sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí bảo dưỡng, lưu kho… Với một số phương án cắt giảm chi phí được đưa ra, hiệu quả kinh tế dự án được nâng lên đáng kể, IRR có thể đạt 10,24%. Tuy nhiên, PVN đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế ưu đãi bổ sung cho dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất.
Đầu tư tỷ đô, hiệu quả chưa rõ ảnh 1 Nếu không có ưu đãi, dự án nâng cấp NMLD Dung Quất không hiệu quả. 
Bỏ thì thương, vương thì tội
Chính PVN, đơn vị góp vốn vào BSR để đầu tư nâng cấp, cải tạo NMLD Dung Quất cũng cho rằng hiệu quả kinh tế dự án thấp. Nhưng tập đoàn này vẫn kiến nghị Thủ tướng để xin thêm ưu đãi khi nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng nhìn lại PVN là đơn vị góp vốn đầu tư NMLD Dung Quất ngay từ đầu, nếu BSR làm ăn thua lỗ chắc chắn PVN sẽ chịu tổn thất đáng kể.
Mặt khác, 30% tổng vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất được huy động từ vốn chủ sở hữu, tương đương khoảng 544 triệu USD (11.645 tỷ đồng), sẽ được thu xếp từ các nguồn cấp tiếp vốn điều lệ cho BSR (khoảng 7.000 tỷ đồng), phần còn lại 4.645 tỷ đồng dự kiến được huy động từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Và chính PVN sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm cấp bổ sung vốn điều lệ cho BSR theo yêu cầu tiến độ dự án.

Phần vốn còn lại khoảng 1,26 tỷ USD, BSR dự kiến sẽ vay từ 3 nguồn: Vay nước ngoài dưới hình thức tín dụng xuất khẩu (ECA), vay vốn ưu đãi chính phủ cho dự án và vay thương mại của các ngân hàng trong và ngoài nước. Theo PVN, phần vốn vay thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất rất lớn nên cần có cơ chế đặc thù, trong đó có việc bảo lãnh vay vốn của Chính phủ cho dự án. Hiện PVN và BSR đang tiến hành làm việc với Bộ Tài chính để hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương cấp bảo lãnh vay vốn cho dự án. 

PVN cho rằng, việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất là hết sức cấp thiết và cần thiết nhằm cho phép nhà máy chế biến được các loại dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu ngọt trong nước đang cạn kiệt và có giá thành cao. Đồng thời nâng cấp chất lượng sản phẩm xăng dầu của nhà máy đạt tiêu chuẩn Euro V, đáp ứng quy định của Nhà nước về lộ trình tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xăng dầu.

Có thể thấy tình trạng đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất đang hết sức khó khăn, dù biết là dự án hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí âm vốn đầu tư, nhưng PVN vẫn quyết tâm làm. Thực tế này cho thấy PVN đang rơi vào thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, bởi PVN đã đổ rất nhiều tiền của vào NMLD Dung Quất nên không thể dễ dàng rút khỏi dự án kém hiệu quả này.
Mặt khác, nó cũng cho thấy công nghệ tại NMLD Dung Quất đang quá lạc hậu, sản phẩm làm ra không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của chính thị trường trong nước. Và như vậy sẽ rất khó tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Các tin khác