Đối với TPHCM, nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm ngày càng được nâng cao chất lượng, tăng doanh thu cho nền kinh tế.
Du lịch trung tâm quận 1 bằng xe buýt 2 tầng Ản.: HOÀNG HÙNG
Sản phẩm mới, khách tăng mạnh
UBND quận 5 vừa chính thức triển khai chương trình mang tên “Về Chợ Lớn xem múa lân”. Định kỳ từ 17 giờ 30 đến 20 giờ thứ Bảy và Chủ nhật của tuần thứ hai mỗi tháng, sẽ diễn ra chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng; thúc đẩy chương trình trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, thu hút du khách.
Mỗi suất biểu diễn kéo dài 30 phút (mỗi tối có 3 suất), gồm múa rồng truyền thống, lân lên mai hoa thung, lân địa bửu, cùng các tiết mục biểu diễn như võ nhạc, múa sư tử...
Trong khuôn viên tổ chức chương trình còn có các gian hàng di động phục vụ đồ ăn, thức uống và bày bán các món quà lưu niệm mang nét đặc trưng của địa phương… Số liệu ước tính từ quận 5 cho thấy, lượng khách du lịch quay trở lại địa phương vài tuần nay bắt đầu tăng mạnh, cao điểm cán mốc vài ngàn lượt mỗi ngày.
“Biểu diễn lân sư rồng là một trong những tiết mục độc đáo; không chỉ là bộ môn nghệ thuật thuần túy mà còn mang lại bình an, nhiều may mắn cho mọi người”, anh Nguyễn Văn Thanh, du khách từ Hà Nội, cho hay.
Cùng với quận 5, nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TPHCM (gồm huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, quận 3, quận 7…) cũng đang triển khai nhiều sản phẩm du lịch về đêm để đón khách đến. Ví dụ, huyện Cần Giờ có rừng ngập mặn, nguồn thủy hải sản dồi dào, với điểm nhấn Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, hoàn toàn có thể đón các dòng khách quốc tế lớn, chi tiêu cao đến đây nghỉ dưỡng, vui chơi. Thông tin từ một số doanh nghiệp, chợ đêm Cần Giờ đang thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều “ông lớn”. Đáng chú ý, Đề án phát triển kinh tế đêm Cần Giờ đang được huyện phối hợp với một số sở, ngành chuyên trách ráo riết thực hiện. Chính nhờ sự “tăng tốc” này mà khách đến TPHCM từ đầu năm đến nay đạt trên 11 triệu lượt.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, điểm qua một số sản phẩm du lịch sẵn có trên địa bàn TPHCM, như tour du thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn, tour đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc, tour tham quan TPHCM bằng xe buýt hai tầng…; tiết mục giải trí về đêm có À Ố Show, đi bộ (phố đêm Nguyễn Huệ, Bùi Viện), nghe các giai điệu âm nhạc Nam bộ; đi mua sắm tại các trung tâm thương mại lớn… Ông Thành nhận xét: “TPHCM đã rất nỗ lực làm mới các sản phẩm sẵn có tại các quận, huyện để tạo thành những điểm nhấn thu hút du khách”.
Tầm nhìn dài hạn
Giải trí, vui chơi về đêm luôn gắn liền với ẩm thực; và TPHCM đang tập trung để khai thác những sản phẩm tour tuyến kết hợp tham quan, ăn uống. Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban sản phẩm - dịch vụ Công ty Vietravel, cho biết, phần lớn các đoàn khách (trong nước và quốc tế) đến tham quan TPHCM đều muốn được ngắm cảnh Sài Gòn về đêm trên du thuyền và thưởng thức ẩm thực đặc trưng.
“Khi mặt trời lặn, cũng là lúc TPHCM rực sáng ánh đèn. Du khách đến các thành phố lớn đều quan tâm vui chơi, mua sắm về đêm, nhưng làm sao để giúp các hoạt động kinh doanh thực sự bùng nổ, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của du khách thì TPHCM vẫn còn lúng túng”, lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM trăn trở.
Ông Từ Quý Thành góp ý, muốn du lịch đêm trở thành sản phẩm giữ chân du khách như mong mỏi bấy lâu nay thì ngành du lịch TPHCM cần quan tâm đến các buổi trình diễn, các chuỗi kết nối đưa khách đi chơi, mua sắm, ăn uống, thưởng thức ca nhạc đêm…
Ông Thành phân tích, suốt thời gian qua, TPHCM đã phát triển mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm so với các thành phố lớn khác trên cả nước, nhưng nếu so với một số thành phố trong khu vực Đông Nam Á có lợi thế cảnh quan, sông nước tương tự thì TPHCM vẫn còn một khoảng cách xa. TPHCM cần quy hoạch bài bản, nỗ lực nhiều phía - gồm cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng chuyên trách. Thời gian tới, nên có thêm các sản phẩm đưa khách tham quan, mua sắm tại các chợ đầu mối như Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Bên cạnh đó, nên lưu ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự để du khách yên tâm vui chơi…
Thực tế, khách du lịch trong nước và quốc tế đến TPHCM rất đông, chiếm gần 50% tổng lượng khách đến Việt Nam, nhưng mức chi tiêu bình quân của khách không cao. Bởi khách vẫn chỉ xem TPHCM là nơi trung chuyển, chứ chưa thực sự xem đây là nơi đến vui chơi, trải nghiệm nhiều ngày. Cơ hội lớn nhưng chưa nắm bắt được khiến cho ngành du lịch đêm của TPHCM để lãng phí nguồn khách giàu tiềm năng (chẳng hạn như khách MICE…). Do vậy, việc đẩy mạnh làm mới sản phẩm bằng “chất liệu” riêng có, cũng như sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các sở, ngành sẽ là động lực giúp du lịch đêm TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, sức mạnh của du lịch đêm, trong đó có kết nối với ẩm thực, vô cùng lớn nếu biết cách “đánh thức” sản phẩm đặc thù này, nhằm quảng bá rộng rãi du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới. Để triển khai hiệu quả, mới đây sở đã ban hành kế hoạch “Nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực áp dụng tại TPHCM” với 4 giai đoạn. Trong năm 2022, trọng tâm là xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực và bộ nhận diện nhà hàng đạt chuẩn. Đồng thời, sở cũng đã làm việc với một số đầu mối trong nước cũng như quốc tế để xúc tiến mời họ đến giao lưu văn hóa, ẩm thực tại TPHCM...