Cạnh tranh không ngừng
Ngày 12-1-2018, TPBank đã nhận được 3 giải thưởng xuất sắc nhất trong lĩnh vực NH số do The Asian Banker (tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của châu Á) bình chọn, gồm NH số sáng tạo nhất năm, hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng tốt nhất Việt Nam và NH tự động tốt nhất Việt Nam.
Năm 2017, NH này gây ấn tượng khi ra mắt điểm giao dịch tự động 24/7 LiveBank, cho phép khách hàng có thể thực hiện nhiều loại giao dịch, đồng thời tương tác với thiết bị khi đang giao dịch thực tế với nhân viên NH mà không phụ thuộc vào giờ làm việc hành chính. Mô hình này chỉ mới được số ít NH lớn trên thế giới thử nghiệm tại một số nước phát triển như Singapore từ cuối năm 2016, hay tại Hoa Kỳ từ đầu năm 2017.
Để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ, TPBank cũng đã ưu đãi mức lãi suất tiết kiệm trên LiveBank luôn cao hơn mức lãi suất tiết kiệm theo các hình thức khác. Kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng gửi qua LiveBank được hưởng lãi suất cuối kỳ lần lượt là 7,3%/năm, 7,4%/năm và 7,7%/năm, trong khi gửi tiết kiệm lãnh lãi cuối kỳ tại quầy giao dịch có lãi suất thấp hơn, lần lượt là 7%/năm, 7,1%/năm và 7,4%/năm.
Sự tham gia của NH số sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi kinh doanh, hoặc đầu tư tại Việt Nam. Do vậy sự đầu tư lớn làm thay đổi diện mạo để trở thành NH số của các NH Việt Nam cũng là một cuộc cách mạng lớn cho tất cả khách hàng. Ông Nguyễn Đình Tùng |
Mặc dù việc triển khai NH số tại Việt Nam chỉ mới ở những bước đầu, nhưng có thể thấy các NH cạnh tranh rất khốc liệt, không chỉ phục vụ khách hàng sẵn có mà còn thu hút nguồn khách hàng mới.
Tháng 5-2017, BIDV phát triển ứng dụng BIDV Smart Banking, ngoài các tính năng quen thuộc thì ứng dụng này cập nhật với nhiều tính năng mới như VnShop (mua sắm trên ứng dụng), trợ lý ảo thực hiện chuyển tiền và thanh toán thông qua giọng nói và gian hàng ảo thanh toán bằng mã QR.
Để cạnh tranh, BIDV thường xuyên đưa ra các khuyến mại. Trong chương trình đang áp dụng, khách hàng được mời tham gia dịch vụ được tặng thẻ điện thoại. Kích hoạt và giao dịch trên BIDV Smart Banking có cơ hội trúng thưởng điện thoại Samsung Galaxy Note 8, chuyến du lịch Bali… Đặc biệt khi giao dịch gửi tiền online trên ứng dụng, khách hàng được cộng đến 0,3% lãi suất so với gửi tại quầy.
Những ý tưởng mới cũng liên tục được các NH đưa ra, như VietinBank cải tiến các phương thức thanh toán qua mạng lưới NH điện tử iPay, eFast... và triển khai nhiều tính năng mới qua kênh NH điện tử trong năm 2017 như nộp thuế điện tử, mua vé xem phim trên ứng dụng, kích hoạt và khóa thẻ online, tích lũy điểm thưởng cho khách hàng thân thiết. OCB ưu tiên phát triển NH số để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong thời đại công nghiệp 4.0, trong đó có giải pháp không gian làm việc số trên thiết bị di động.
MB triển khai Smart Form tại các chi nhánh phòng giao dịch để tự động hóa các quy trình đăng ký từ đó làm giảm thời gian thực hiện tại quầy tới hơn 80%. VietBank cũng đã dành một khoản chi phí rất lớn cho hệ thống NH lõi core banking, và xây dựng trung tâm dữ liệu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ dự kiến vận hành vào tháng 9-2018 theo hướng NH công nghệ…
Xu hướng của tương lai
Xu hướng của tương lai
Trong một khảo sát IDG thực hiện năm 2017, cho thấy dịch vụ NH điện tử được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng khi có đến 81% người tiêu dùng sử dụng dịch vụ này, trong khi khảo sát thực hiện năm 2015 chỉ có 21% người tiêu dùng sử dụng. Điều này cho thấy NH số đang có nhiều cơ hội phát triển.
Dự báo xu hướng và viễn cảnh của ngành NH Việt Nam trong tương lai, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB khẳng định, vai trò của công nghệ số, số hóa với hoạt động của NH là không hề nhỏ và sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Khách hàng đang có xu hướng chuyển dịch các kênh giao dịch sang hướng số, phi chi nhánh, cùng một lúc hoặc trong một lộ trình để có thể sử dụng nhiều kênh khác nhau trong việc tương tác, giao dịch với NH. Những thay đổi này cùng với kết quả mang lại của xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, làm nên làn sóng số hóa thay đổi cơ bản và toàn diện các mô hình kinh doanh và hoạt động của rất nhiều NH.
Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, mặc dù các NH nhỏ mới bắt đầu tham gia đầu tư công nghệ, nhưng lại có lợi thế hơn các NH lớn có sẵn hệ thống công nghệ từ trước, vì NH nhỏ có thể mua ngay công nghệ mới và áp dụng thay vì phải mất thời gian nâng cấp, thay đổi cho phù hợp như các NH lớn. Mặc dù khoản chi phí này không nhỏ, nhưng công nghệ sẽ giúp NH tăng lợi nhuận ròng, vì chi phí giao dịch trên NH số luôn thấp hơn rất nhiều so với giao dịch truyền thống.
Tuy nhiên, đối với NH số, các NH cũng gặp không ít thách thức. Hiện nay hành lang pháp lý đối với NH số vẫn chưa được hoàn thiện, nên dù có đủ kỹ thuật để thực hiện nhiều dịch vụ mới nhưng các NH chưa thể triển khai, trong khi các công ty Fintech được phát triển thoải mái hơn vì được làm những điều pháp luật không cấm.
Hiện nay ở một số nước, để phát triển NH số, TCTD có thể đăng ký thử nghiệm các sản phẩm công nghệ tài chính tại các cơ quan quản lý tiền tệ. Trong khi đó, tại Việt Nam không chỉ thiếu không gian sáng tạo và cạnh tranh cho các NH số hóa dịch vụ, mà các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng thích hợp để đảm bảo trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài chính cũng chưa được hoàn thiện, nên chưa thể thúc đẩy mô hình NH số phát triển mạnh mẽ hơn.