Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá xăng tăng cao tác động đến tình hình trong nước, nguy cơ lạm phát thì Quốc hội và Chính phủ cần sớm xem xét sử dụng các công cụ thuế để giảm giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường chứng khoán càng sớm càng tốt.
Không để "té nước theo mưa"
- Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế-xã hội trong thời gian qua?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm trước khoảng 7%, tuy nhiên đến năm 2020 chỉ còn 2,9% và 2021 chỉ còn 2,6%.
Dù vậy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương và là một trong những điểm sáng trong kiểm soát phòng chống dịch, thích ứng an toàn với dịch.
Điều vui hơn là nước ta đã tận dụng được các mối quan hệ quốc tế trong việc khai thác tìm kiếm vaccine để tiêm cho người dân, đây là thành quả rất lớn.
Chính thành quả đó đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp sớm quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh; trong đó có du lịch, giao thông được phục hồi và đến giờ gần như mọi thứ đã trở lại bình thường. Tình hình kinh tế của Việt Nam nhờ đó đã cải thiện rất rõ nét trong 5 tháng đầu năm.
Đặc biệt là chưa bao giờ nước ta thấy một khí thế, tinh thần dân tộc dâng cao lên khi Việt Nam tổ chức thành công SEA Game 31, ngoài việc giành được nhiều Huy chương Vàng, chúng ta chứng kiến lá cờ Tổ quốc Việt Nam tung bay khắp nơi trên các sân vận động.
Cứ mỗi lần có Huy chương Vàng, bài hát Quốc ca lại vang lên, thể hiện một khát vọng chinh phục Huy chương Vàng, chinh phục đỉnh cao mới. Đấy là niềm vui và nó tạo đà cho nước ta khí thế để hoàn thành được các mục tiêu đặt ra trong năm 2022.
Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc là đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Vì vậy, ngay từ đầu năm chúng ta đã triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19.
Tuy nhiên trước diễn biến tình hình kinh tế-chính trị thế giới trở nên phức tạp, xung đột Nga-Ukraine và những biện pháp trừng phạt tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, trực tiếp là giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực, kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao. Tại Mỹ, lạm phát lên đến 8,5% cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu hay tại châu Âu, lạm phát đã lên cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Trong bối cảnh đó, nước ta khi đang có cơ hội để kìm tốc độ tăng của lạm phát thì lại phải liên tục điều chỉnh giá xăng dầu, gây tác động tới tất cả các ngành hàng hoá, từ đó khó kiềm chế, kiểm soát lạm phát. Trong trường hợp phải sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát thì cũng để lại những hậu quả tiêu cực.
Theo tôi, để giảm áp lực lên lạm phát, các gói tài khóa tiền tệ như gói hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm thuế, phí... cần được triển khai thật nhanh. Do đó, chúng ta phải hành động gấp để lạm phát không tăng lên, tránh để khi bệnh nặng lại phải dùng "thuốc liều cao."
- Vậy các biện pháp để kiềm chế lạm phát là gì thưa ông?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Ngay tại kỳ họp này tôi sẽ có ý kiến phát biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải xem xét nhanh vấn đề này. Theo đó cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Vì nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, bởi trong 2 năm đại dịch đã lấy đi phần tích lũy, nay lại gặp “bão giá” người dân sẽ vô cùng vất vả. Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistic…
Đối với ngân sách nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách, nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo. Vì giá cả lên thì chi ngân sách tăng lên, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì rất nguy kịch, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí. Vì vậy, phải chặn ngay vấn đề này.
Tôi lấy ví dụ những năm lạm phát cao như năm 1986, 1987, 1988 là thời điểm Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, hạch toán kinh doanh, quy định tỷ giá sát thị trường và chấp nhận cơ chế giá thị trường. Bài học gần nhất là năm 2008, lúc đó biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng, lạm phát tăng nhanh và khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả các chi phí giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn.
Khi lạm phát cao ở mức độ 2 con số, liều thuốc của các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải “uống thuốc” liều cao. Việt Nam phải dùng lãi suất cao, có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%. Việt Nam phải chấp nhận không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng hình thức xử phạt đối với thị trường chứng khoán
- Ông đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán trong thời gian qua, làm thế nào để thị trường có thể minh bạch, hấp dẫn hơn?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Theo tôi thị trường chứng khoán phải có lên, có xuống thì mới là thị trường hoạt động bình thường. Còn nếu thị trường bằng phẳng là "tim đã ngừng đập."
Tuy nhiên, trong thời gian qua, giá của cổ phiếu bị đẩy lên quá cao không phản ánh đúng giá trị thực đã làm cho thị trường chứng khoán bị thao túng, gian lận.
Dù đã có xử phạt một số doanh nghiệp có hành vi lũng đoạn, thao túng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu trái quy định pháp luật nhưng theo tôi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ phận giám sát thị trường phải hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo việc thông tin rộng rãi trên thị trường và ngăn ngừa kịp thời những hành động thao túng, lũng đoạn thị trường. Đây là những động thái giúp thị trường trở nên lành mạnh, minh bạch hơn.
Các quy định trong luật đã có nhưng tới đây nên sửa đổi, thêm vào một số điều khoản để tăng hình thức xử phạt vi phạm trên thị trường tài chính. Có như vậy mới thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.
Chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế. Kinh tế phục hồi, tăng trưởng thì chứng khoán đi lên, còn kinh tế suy thoái do ảnh hưởng đại dịch thì chứng khoán đi xuống. Nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động mà chứng khoán vẫn đi lên thì đó là dấu hiệu bất thường. Chính từ sự bất thường đó, cần phải thanh tra, kiểm tra ngay để phát hiện ra sai phạm.
Luật chơi của thị trường là lợi nhuận cao thì rủi ro cao. Người mua đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu có lợi nhuận cao thì phải chấp nhận rủi ro cũng cao. Còn nếu người chơi không chuyên nghiệp thì nên ủy thác cho các quỹ đầu tư. Vấn đề là phải minh bạch thông tin để nhà đầu tư biết được rủi ro thế nào, từ đó có quyền lựa chọn.
- Hiện tốc độ giải ngân đầu tư công thấp, ông đánh giá gì về vai trò của đầu tư công đối với sự phát triển kinh tế?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đầu tư công luôn luôn có độ dẫn dắt, lan tỏa đến đầu tư xã hội. Đầu tư công là hướng vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hiện vướng mắc nhất hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình, cho nên việc rà soát hệ thống luật pháp trong đầu tư công hiện nay là cần đẩy nhanh hơn nữa và phải ủy quyền cho các địa phương thì mới tránh được tình trạng đầu tư chậm như hiện nay. Ngoài ra, tăng trách nhiệm cho cấp dưới và chủ dự án phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, có một nguyên nhân khách quan đó là giải phóng mặt bằng gặp khó khăn vì giá bất động sản, giá đất đền bù cao, có thể vượt dự toán. Bên cạnh đó, giá nguyên nhiên vật liệu xây lắp cũng có khả năng vượt dự toán. Khi vượt dự toán như vậy phải tính lại các bước, dẫn đến giải ngân chậm. Đây là bài toán về thể chế và tác động của giá cả.
- Xin cảm ơn ông.