Trước đó, tháng 9-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng ban hành quyết định tình huống khẩn cấp 8 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm xảy ra trên địa bàn.
Diễn tiến ngày một phức tạp
ĐBSCL đang chịu tác động kép từ nước biển dâng và quá trình tự sụp lún nhiều vùng đất, đó là nguy cơ đang hiện hữu. Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN-MT), cho biết: Theo kết quả quan trắc tại TPHCM và ĐBSCL với tổng số 339 điểm, cho thấy có 306 điểm lún 0,1 - 81,4cm; tốc độ lún trung bình 0,01 - 06,8cm mỗi năm.
Nơi lún nhiều nhất là phường An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM) với tổng độ lún 81cm; Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu dẫn đầu khu vực ĐBSCL với mức độ lún cao nhất, từ 52,4 - 62,6cm. Các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Long An... có tổng độ lún nhỏ nhất (từ 12,4 - 15,9cm).
Cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau),
một trong những điểm nóng sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TẤN THÁI
một trong những điểm nóng sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TẤN THÁI
Theo đánh giá sơ bộ trong kết quả nghiên cứu về sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Na Uy thực hiện, trong 15 năm qua, đất ở tỉnh Cà Mau sụt lún từ 30 - 70cm, bình quân khoảng 1,9 - 2,8cm mỗi năm; nếu tiếp tục gia tăng khai thác nước ngầm thì trong 25 năm tới, dự báo sụt lún sẽ lên đến 90cm.
Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) tỏ ra tiếc nuối khi cảnh báo: “ĐBSCL chưa đến lúc phải khai thác các tầng nước ngầm một cách quá đáng như hiện nay. Ngoài những hệ lụy dẫn đến sụp lún, ô nhiễm nguồn nước, thì đây là cách khai thác không hợp lý nguồn dự trữ quý giá cho các thế hệ sau”.
Hiện toàn vùng có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm tập trung với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệu m3 mỗi ngày. Riêng TPHCM có khoảng 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 520.000m3/ngày. Ngoài ra, còn khoảng trên 1 triệu giếng quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840.000m3/ngày.
Theo các chuyên gia của Đại học Quốc gia TPHCM, qua thống kê cho thấy, trong thời gian 10 năm trở lại đây, hiện tượng xói lở và sạt lở bờ tại các sông rạch ở ĐBSCL ngày càng ra tăng. Nếu như năm 2010, toàn vùng ĐBSCL chỉ có 99 điểm sạt lở bờ sông, thì đến thời điểm hiện nay đã tăng lên 681 điểm sạt lở, gấp 7 lần so với 2010.
Nguyên nhân gây tình trạng sạt lở bờ sông tại ĐBSCL như do địa chất, địa hình, chế độ dòng chảy, thủy triều, đây là những nguyên nhân khách quan khó kiểm soát. Song, nguyên nhân quan trọng và có thể kiểm soát được đó là con người tạo ra khi xây dựng tràn lan, cất nhà ở và công trình gần bờ sông, đường giao thông; tạo sóng từ phương tiện giao thông thủy, khai thác cát quá mức, thiếu hụt bùn cát do xây dựng các hồ chứa trên dòng chính sông Mekong.
Tập trung các giải pháp ứng phó
PGS-TS Nguyễn Phú Quỳnh (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) cùng các chuyên gia đề xuất một số nhóm giải pháp chỉnh trị và kết cấu công trình bảo vệ bờ tại các khu vực sạt lở trọng điểm. Cụ thể, nhóm giải pháp công trình hỗ trợ và giảm nhẹ sạt lở được xem là thân thiện với môi trường có thể bảo vệ bờ bằng cách trồng các loại cây chắn sóng. Đây là giải pháp có giá thành thấp và thân thiện môi trường, hài hòa thiên nhiên, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
Đối với những khu vực sạt lở bề mặt bờ sông, chân đường giao thông, sạt lở bờ sau khi ngăn dòng triều... có thể dùng giải pháp kè tường đứng, đóng cọc và sử dụng bao đất, cát chống sóng. Cách làm này có giá thành thấp và có thể áp dụng xã hội hóa. Riêng công trình kiên cố bảo vệ bờ sông nơi thị trấn, khu vực đông dân cư thì thực hiện giải pháp kè bảo vệ kết hợp chỉnh trang đô thị.
Tại Đồng Tháp, tỉnh vừa thực hiện xong công trình kè mềm chống sạt lở bờ sông Cần Lố (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) mang lại hiệu quả khả quan. Kè mềm thuộc nhóm “giải pháp xanh” được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới trong khoảng 10 năm qua. Ưu điểm của loại kè này là đem lại hiệu quả cao, chi phí thấp hơn 40%-70% so với kè cứng. Khu vực sạt lở sông Cần Lố dài hơn 40m, nhưng tổng chi phí kè mềm chỉ khoảng 2,2 tỷ đồng, thời hạn sử dụng lên tới 20 năm.
Hiện Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án “Đo đạc, kiểm tra các mốc cao độ nhà nước trên phạm vi TPHCM và vùng ĐBSCL giai đoạn II”; điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực TPHCM và ĐBSCL, định hướng quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất để có giải pháp toàn diện phòng chống sạt lở và sụp lún cho cả vùng.
Về các giải pháp chống sụp lún, theo PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), để hạn chế tốc độ sụt lún, ĐBSCL cần ứng dụng những giải pháp cơ sở hạ tầng xanh nhằm làm mới lại các khu vực công cộng trong trung tâm đô thị để tăng không gian cho tích trữ nước, thẩm thấu nước mưa tại các khu vực phát triển đô thị và các công trình cơ sở hạ tầng công cộng mới, nhằm giải phóng áp lực cho hệ thống nước ngầm”. |