Ngập liên miên
Trung tuần tháng 9, triều cường trên sông Hậu bắt đầu xuất hiện. Tuy mới bước vào mùa triều cường nhưng mực nước trên sông Hậu đã đạt 1,88m gần mức báo động (BĐ) 2, làm ngập nhiều tuyến đường ven sông Hậu, sông Cần Thơ. Tương tự, ở các đô thị trong vùng, cứ triều cường là gây ngập.
Theo các nhà khoa học, chỉ trong 4 năm (2018-2022), mực nước lớn nhất tại TP Cần Thơ liên tục bị phá vỡ. Trong đó, đợt triều cường cuối tháng 10-2022 được ghi nhận đạt mức 2,1m, vượt báo động 3 là 0,1m. Đợt triều cường này làm hàng loạt tuyến đường quan trọng của TP Cần Thơ như Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám… bị ngập sâu.
Nguy cơ các đô thị Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long ven sông Hậu, sông Tiền phải đối diện với các đợt triều cường lớn hơn trong cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2023 rất cao, theo đó khả năng các khu vực này bị ngập sâu trên diện rộng là rất lớn.
Tại Kiên Giang, 2 năm trở lại đây, TP Rạch Giá liên tục bị ngập khi có mưa, triều cường. Không chỉ mưa lớn mà mưa nhỏ cũng ngập. Càng về sau càng có nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập, nước rút chậm hơn.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Tiến Tài (42 tuổi), kỹ sư xây dựng sống tại Rạch Giá, cho rằng, giải pháp thoát nước chưa tốt và mật độ xây dựng đô thị cao là 2 nguyên nhân chính gây ngập nặng tại TP Rạch Giá. Bán đảo như TP Rạch Giá ngập đã đành, cả hòn đảo giữa biển như TP Phú Quốc cũng ngập khi có mưa.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ nhà thùng nước mắm Thanh Quốc, ở phường Dương Đông (TP Phú Quốc) cho biết, từ xưa tới nay, mưa trên đảo lúc nào cũng lớn, dầm dề và thường mưa cả ngày lẫn đêm, thậm chí mưa suốt mấy ngày, nhưng chưa bao giờ thấy cảnh ngập như hiện nay.
Bà Tịnh giải thích, ngày trước cây rừng còn nhiều, mưa trút xuống núi thì nước mưa cũng không đổ hết ra suối, rạch mà được giữ lại trên sườn núi. Nay người ta phá rừng chiếm đất để bán nên nước mưa đổ về thành lũ.
Những trận mưa vừa qua cũng làm tuyến quốc lộ 1, đoạn tiếp giáp giữa TPHCM và Long An bị ngập sâu, một số phương tiện bị chết máy, gây kẹt xe nghiêm trọng. Ông Lê Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cho biết, mưa quá lớn kéo dài khiến quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bến Lức ngập sâu do hệ thống cống cũ và cống mới không đồng bộ, trong khi lượng mưa quá lớn dẫn đến việc thoát nước chậm. So với trước đây thì đợt mưa vừa qua gây ngập nhiều, ngập sâu, nước rút không kịp.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng
ĐBSCL đang phải gánh chịu các hiểm họa thiên tai như ngập lụt do triều cường, nước biển dâng, lũ từ thượng nguồn, hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở. Các nhà khoa học cho rằng, bên cạnh các yếu tố tự nhiên, tình trạng ngập lụt tại ĐBSCL còn chịu tác động của một số yếu tố khác như xây dựng đê bao khép kín sản xuất lúa ở thượng nguồn và sụt lún đất (do một số nguyên nhân như đô thị hóa, bê tông hóa và khai thác nước ngầm quá mức).
Theo số liệu hiện có, tốc độ lún trung bình hàng năm ở một số đô thị lên tới 1,5cm/năm. Trong vài năm trở lại đây, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phát đi cảnh báo: Việt Nam xếp hạng 23/30 quốc gia chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó, ĐBSCL được cảnh báo là 1/3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất thế giới.
Dự báo, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5-1m vào cuối thế kỷ XXI (0,47m/năm). Nếu không có giải pháp ứng phó BĐKH, ước tính 10-12% dân số Việt Nam; khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng.
Trước tình hình này, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 24-01-2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng quy hoạch phát triển đô thị hướng tới các mục tiêu bền vững, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với BĐKH, nhất là tại ĐBSCL; việc nâng cấp hạ tầng và hoàn thiện hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp, tăng cường năng lực phòng chống và giảm thiểu thiên tai các đô thị là cấp bách.
Theo TS-KTS Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), các giải pháp để ĐBSCL thích ứng với BĐKH là chủ động “dành chỗ cho nước”. Các đô thị nằm ven sông Tiền, sông Hậu cần chú trọng kiến tạo không gian cho nước, đặc biệt là nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị để thích ứng với triều cường.
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL:
Hiện nhiều địa phương làm đê bao khép kín để sản xuất lúa 3 vụ/năm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm nước dâng cao tại vùng hạ lưu mùa lũ, gây ngập trên diện rộng ở Cần Thơ, Vĩnh Long… Khi ngập do mưa kết hợp với thủy triều, nước dâng từ dưới sông lên thì vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Giải pháp trước mắt là cần tập trung cải thiện năng lực thoát nước của thành phố, cụ thể là tăng cường khả năng của hệ thống cống rãnh thoát nước. Trong quy hoạch TP Cần Thơ, cần bố trí những mảng xanh để nước mưa có thể thấm xuống đất, thay vì chảy tràn trên mặt bê tông gây ngập. Ngoài ra, phải chú ý hơn nữa tầm quan trọng của kênh rạch nội ô, vừa là cảnh quan vừa phục vụ thoát nước. Theo đó, cần ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh mương và phục hồi hệ thống kênh rạch trong nội đô thành phố.