Theo TS Trần Bá Việt - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, các kết quả phân tích, nghiên cứu cho thấy, giải pháp cầu cạn bằng dầm nhịp lớn trên cơ sở công nghệ bê tông cường độ cao và bê tông tính năng siêu cao, cho nhịp từ 35 - 100m phù hợp cho vùng đất yếu… Việt Nam hoàn toàn làm chủ việc thiết kế dầm tuyến cầu cạn, chế tạo dầm bằng bê tông cường độ cao và bê tông tính năng siêu cao. Vấn đề là Bộ Xây dựng và Bộ GT- VT cần xác định chi phí bảo trì cao tốc cho 30 năm làm cơ sở cho việc xác định suất đầu tư theo vòng đời hệ thống cao tốc miền Tây.
Nếu tính suất đầu tư theo tỷ suất lợi nhuận/chi phí (B/C), tính với chi phí bảo trì trong 50 năm khai thác, thì phương án cầu cạn kết hợp sẽ rẻ hơn đường đắp, tiến độ đảm bảo, khai thác tin cậy, không bị ảnh hưởng nhiều bởi sụt lún nền ĐBSCL và nước biển dâng do BĐKH.
TS Trần Bá Việt kiến nghị: Chính phủ cho phép thực hiện cho 1 tuyến cao tốc ở ĐBSCL ngay trong năm nay, để đánh giá hiệu quả về môi trường bền vững và kinh tế kỹ thuật bảo trì của dự án cụ thể.
Còn theo GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, thiếu cát xây dựng là thách thức tình huống, là hệ quả, các đặc thù là căn cơ, mang tính cấu trúc. Giải được căn cơ sẽ tháo gỡ tình huống, không làm trầm trọng thêm nạn đói trầm tích, đồng thời giải quyết được “cơn khát” cho cao tốc của vùng ĐBSCL. Xây dựng tuyến cao tốc trên cao là một giải pháp không thể bỏ qua, là có cơ sở và khả thi, là phù hợp với đặc thù của vùng ĐBSCL, nhất là ở các đồng lũ, trũng, cao trình mặt đất thấp, nền đất yếu.