Để bệnh viện toàn tâm cứu người

(ĐTTCO) - Khi tình trạng thiếu thuốc tại nhiều cơ sở y tế đang từng bước được khắc phục thì việc thiếu trang thiết bị y tế vẫn gặp không ít khó khăn; thậm chí nhiều bệnh viện đang loay hoay trong việc đấu thầu, mua sắm, liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế.

Hiện việc xác định đơn giá dự toán mua sắm thuốc, vật tư y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, các bệnh viện đang gặp khó khăn trong quá trình lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch theo quy định tại khoản 2 điều 11 Thông tư 58-2016 của Bộ Tài chính. 

Trên thực tế, hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm thì sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp phục vụ người bệnh. Vì vậy, giá hàng hóa mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, mà cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, chuyên khoa, hạng bệnh viện và quy định rõ các bước, hội đồng có thẩm quyền xác định nhu cầu điều trị thực tế phù hợp với đơn vị.

Để làm được điều đó, cần thay đổi, cho phép các bệnh viện từ hạng I trở lên được lựa chọn “thương hiệu” trong việc mua sắm các thiết bị điều trị kỹ thuật cao có tính chuyên sâu, phù hợp với mô hình bệnh tật và nhân lực được đào tạo của cơ sở y tế đó. Bên cạnh đó, cần quy định chi tiết như thế nào là tình huống cấp bách trong y khoa, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người bệnh; từ đó cho phép các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định để kịp thời có thuốc phục vụ người bệnh; đồng thời, quy định rõ tổ chức nào trong cơ sở y tế có thẩm quyền xác định tình huống cấp bách, để tránh lạm dụng chỉ định thầu và đồng thời bảo vệ đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý.

Một thực trạng nữa cũng không thể không đề cập khi hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn quy định về xây dựng tiêu chí kỹ thuật trong đấu thầu dịch vụ sửa chữa, bảo trì trang thiết bị y tế. Cần xem xét bổ sung văn bản quy pháp phạm luật công tác đấu thầu cho phép được mời thầu đúng chủng loại vật tư y tế cần sửa chữa thay thế, như vậy mới đảm bảo được tính tương thích với hệ thống. Đơn cử, về đặc thù trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như thiết bị chẩn đoán điều trị chuyên sâu bệnh lý ung thư (Cyclotron/PET-CT/PET-MRI, Hệ thống xạ trị điều trị ung thư, CT Scanner) có rất ít nhà cung cấp và phân phối ở Việt Nam nên việc tham chiếu giá để xây dựng kế hoạch đấu thầu sửa chữa bảo trì khó khăn, việc xác định cơ cấu giá dịch vụ sửa chữa còn mập mờ.

Tham khảo giá trên cổng thông tin thì giá dịch vụ không thống nhất, cũng như trong gói dịch vụ sửa chữa được đăng tải cũng không đầy đủ, mặt khác việc thu thập báo giá cũng không thực hiện được, nhiều bệnh viện không đủ cơ sở để xây dựng giá gói thầu. Ngoài ra, đặc thù vật tư linh kiện thay thế phải cùng chủng loại, tương thích với hệ thống, với trang thiết bị y tế cũ nên bệnh viện gặp khó trong xây dựng yêu cầu kỹ thuật. Nếu ghi cụ thể loại trang thiết bị thì vi phạm tiêu chí kỹ thuật mời thầu theo định hướng chỉ định thầu, còn nếu không ghi rõ tên trang thiết bị thì đấu thầu xong linh kiện không tương thích cũng không sử dụng được…

Vì tính chất tương thích với hệ thống máy xét nghiệm nên hóa chất sử dụng thông thường là hóa chất đóng và các hệ thống xét nghiệm có hóa chất đóng này là những thiết bị hiện đại, có độ chính xác cao, thực hiện được nhiều kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu điều trị mang tính chuyên sâu, kỹ thuật cao phù hợp với các bệnh viện tuyến cuối. Nếu dùng hóa chất không tương thích với hệ thống sẽ dẫn đến kết quả không chính xác, ảnh hưởng đến chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

Trước thực trạng này, các bệnh viện rất cần được cho phép tiếp tục thực hiện đấu thầu vật tư, hóa chất theo quy trình hiện tại và đơn vị trúng thầu được phép cho mượn, đặt máy để sử dụng hóa chất trúng thầu như hiện nay trong thời gian chờ giải pháp hiệu quả thay thế. Song song đó, cần điều chỉnh bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 151/NĐ-CP thêm hình thức sử dụng máy mượn, máy đặt phù hợp với thực tiễn của ngành y hiện nay.

Hiện nay, việc liên doanh liên kết, xã hội hóa trong y tế được thực hiện theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP, nhưng còn nhiều điểm chưa phù hợp với ngành y trong khi đây là ngành đặc thù rất cần thiết có quy định chi tiết riêng. Cùng với đó, do ảnh hưởng của “hậu Covid-19”, có một số gói thầu chậm triển khai khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn, không đủ cơ sở để tiến hành xây dựng đơn giá gói thầu. Do đó, rất cần quy định cụ thể hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, như: cho phép gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đối với các gói thầu dịch vụ phi tư vấn để đảm bảo cho công tác phục vụ hậu cần của bệnh viện đồng hành với công tác chuyên môn điều trị cho người bệnh.

Các tin khác