Báo SGGP đã ghi nhận nhiều ý kiến chuyên gia, người dân TPHCM. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, cần điều chỉnh một cách hợp lý nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất trên các mặt trận để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Người dân chờ mua thuốc tại một cửa hàng trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông HUỲNH THẾ DU, Đại học Fulbright Việt Nam:
Đảm bảo dòng chảy thị trường thông suốt
Một việc rất quan trọng hiện nay với TPHCM là đảm bảo dòng chảy thị trường được thông suốt nhất có thể. Việc đóng cửa các chợ, nhất là chợ đầu mối tác động ngay đến toàn xã hội, trong đó, những đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng nhiều nhất. Phía cung, nông sản (nhất là rau củ quả) không tiêu thụ được thì những hộ nông dân nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Phía cầu, nguồn cung khan hiếm, giá cả tăng thì chi phí cho hàng hóa thiết yếu tăng lên ăn vào nguồn thu nhập vốn dĩ còm cõi hơn của các hộ khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.
Với tình hình hiện tại, gần như chắc chắn sẽ có các ca mắc Covid-19 mới xuất hiện tại các chợ khi mở cửa. Tuy nhiên, nền kinh tế TP và hàng triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu theo chiến lược cứ có ca mắc Covid-19 là đóng cửa toàn bộ chợ, nhất là chợ đầu mối. Do vậy, giải pháp với các chợ có lẽ chỉ nên khoanh vùng nơi có ca mắc Covid-19, những nơi khác vẫn được hoạt động bình thường, đặc biệt là chợ đầu mối. Cách này đã áp dụng khá hữu hiệu tại nhiều nơi trên thế giới. Thêm vào đó, TP có thể xem xét cho người dân bán hàng lưu động với điều kiện được tiêm vaccine, đảm bảo giãn cách và phòng dịch. Nên ưu tiên cho những hộ khó khăn (người buôn thúng, bán bưng) thay vì chỉ tập trung vào các đơn vị chính thức.
Luật sư NGÔ VIỆT BẮC, Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, Đoàn Luật sư TPHCM:
Định hướng thông tin phải đi trước một bước
Hiện có rất nhiều luồng thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng truyền nhau trên không gian mạng. Những thông tin này ảnh hưởng tiêu cực đến người tiếp nhận, tạo tâm lý hoang mang, sợ hãi. 2 ngày nay, thông tin về “thiết quân luật TPHCM” tràn ngập mạng xã hội khiến không ít người tìm mọi cách thu gom hàng hóa, tích trữ nhu yếu phẩm và trang thiết bị bảo hộ, phòng chống dịch như thuốc chữa bệnh, đồ bảo hộ y tế, máy thở, bình ôxy… tạo ra sự khan hiếm trên thị trường, đẩy giá cả hàng hóa tăng chóng mặt. Điều này tạo nên sự bất ổn chung cho xã hội.
Cũng không loại trừ có ai đó đứng sau tạo ra các thông tin này, tạo ra sự khan hiếm giả trên thị trường nhằm tăng giá cả các mặt hàng, vật dụng thiết yếu, qua đó để trục lợi. Là người dân, chúng ta cần bình tĩnh phối hợp với chính quyền sở tại, tiếp cận các thông tin chính thống để tránh tâm lý hoang mang, sợ hãi. Cần khẳng định rằng mọi quyết sách của chính quyền TPHCM đều vì nhân dân và phục vụ nhân dân. Điều cần thiết đối với người dân lúc này là họ cần tiếp cận thông tin về tình hình dịch bệnh chính xác, minh bạch, công khai, kịp thời thông qua kênh báo chí chính thống, uy tín; tránh tình trạng thông tin thiếu chính xác, bị lợi dụng, trở thành thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Những ngày dịch bệnh, mặt trận thông tin không thể thua kém các mặt trận khác.
Vấn đề đặt ra trong công tác điều hành của TPHCM là phải đi trước một bước trong định hướng thông tin. Không thể cứ để thông tin xấu độc lan ra trên mạng xã hội thì chúng ta mới bác bỏ, mà phải có sự chuẩn bị thông tin từ trước, định hướng và đưa ra dư luận minh bạch, nhanh chóng. Có như thế mới an lòng dân, đánh tan những thông tin xấu độc.
Bà NGUYỄN NGỌC HƯỜNG phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM:
Sớm cho chủ động test nhanh Covid-19
Ngay từ đợt dịch Covid-19 thứ nhất, công tác xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế và các cơ quan liên quan quan tâm. Một loạt các doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân vào cuộc nghiên cứu và rầm rộ thông tin trên truyền thông về việc Việt Nam đã sản xuất thành công kit xét nghiệm SARS-CoV-2 đáp ứng nhu cầu xét nghiệm trong nước, thậm chí đã có đơn vị xuất khẩu. Chưa kể, hệ thống kinh doanh trang thiết bị y tế vẫn đều đặn nhập khẩu từ các nguồn như Ấn Độ, Hàn Quốc… Bằng sự nỗ lực của hệ thống chính trị, đợt dịch thứ nhất, rồi thứ hai được khống chế, nhu cầu xét nghiệm lắng xuống.
Thế nhưng, với đợt dịch Covid-19 hiện nay tại TPHCM, hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 (RT-PCR) tại các cơ sở y tế quá tải khi ca F0, F1, F2 được truy vết. Cùng với đó, sự điều hành chưa phù hợp của chính quyền một số địa phương khi yêu cầu người lưu thông từ địa phương này qua địa phương kia phải có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 khiến nhu cầu xét nghiệm tăng đột biến. Truyền thông, mạng xã hội đưa hình ảnh người dân đến các cơ sở y tế xin xét nghiệm Covid-19 hình tạo ra hình ảnh gây nhức nhối xã hội.
Để hạn chế lây lan dịch ra cộng đồng, Bộ Y tế đã cho thực hiện phương pháp xét nghiệm nhanh Covid-19 (test nhanh). Xét nghiệm này tìm kháng thể kháng virus trong máu, xác định người bệnh có đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với virus không. Kỹ thuật đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh. Từ đó, mạng lưới bán test nhanh, hội nhóm kinh doanh “chui” tràn lan trên mạng xã hội.
Dù nhận định diễn biến dịch và thị trường có nhu cầu về test nhanh, nhưng nhiều doanh nghiệp trang thiết bị y tế đều lắc đầu khi đề cập đặt hàng doanh nghiệp trong nước hay nhập khẩu khi dụng cụ này đã phổ biến ở các nước. Sự tiếp cận của người dân, doanh nghiệp để test nhanh Covid-19 rất khó khăn. Trong khi đây là một kỹ thuật xét nghiệm đơn giản và người dân có thể thực hiện tại nhà. Test nhanh Covid-19 thuộc nhóm trang thiết bị y tế, không quá khắt khe về tiêu chuẩn kiểm duyệt. Vì vậy, Bộ Y tế cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu để phân phối test nhanh Covid-19 rộng rãi, công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn để người dân tự test. Có vậy, người dân sẽ tự sàng lọc, chủ động cách ly, giảm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ và các cơ sở y tế, tiến tới sớm chống chế dịch bệnh.
TPHCM rút ngắn thời gian cách ly điều trị F0
Ngày 14-7, Sở Y tế TPHCM đã có Công văn gửi một số đơn vị trực thuộc về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Trong đó cho phép rút ngắn thời gian cách ly tập trung các trường hợp F0 không triệu chứng nếu thỏa các điều kiện bắt buộc.
Nhằm giảm tải cho các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19, Sở Y tế hướng dẫn giảm thời gian cách ly điều trị cho các trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng. Người bệnh cam kết chấp hành nghiêm quy định cách ly tại nhà, không ra khỏi phòng trong suốt thời gian cách ly; tự theo dõi sức khỏe và báo cáo tình hình sức khỏe 2 lần/ngày qua ứng dụng khai báo y tế điện tử TPHCM trong suốt quá trình cách ly y tế theo quy định.