Hình ảnh những chiếc xe bị tông mạnh khi đang lưu thông với tốc độ cao và hậu quả thảm khốc sau đó thực sự gây ám ảnh với nhiều người.
Đầu tiên là vụ 2 xe máy đi ngược chiều trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đâm vào xe chở rác khiến 4 thanh thiếu niên thiệt mạng vào chiều 14-2, tức mùng 5 tết. Từ ngày 13 đến ngày 16-2, có 3 vụ tai nạn liên hoàn đã xảy ra trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Tuy không thiệt hại về người nhưng các vụ tai nạn này đã làm tuyến cao tốc này ùn tắc kéo dài. Đặc biệt, sáng 18-2, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra giữa 4 phương tiện trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, làm 3 người tử vong...
Nguyên nhân của các vụ tai nạn vẫn đang được điều tra làm rõ, nhưng theo đánh giá sơ bộ của cơ quan chức năng, phần nhiều nguyên nhân đến từ ý thức của người tham gia giao thông, đó là việc cố tình chạy xe máy vào đường cao tốc, là tài xế thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu…
Câu hỏi đặt ra là, chúng ta đã có hệ thống đường cao tốc với tổng chiều dài hơn 1.800km, và đang phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc, nhưng liệu chúng ta đã thực sự xây dựng được văn hóa sử dụng đường cao tốc?
Trước hết, ở góc độ quản lý nhà nước, khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng và các địa phương cần xem xét, rà soát lại về hạ tầng, để xem các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đã thực sự hợp lý hay chưa. Đơn cử, việc để xe máy dễ dàng chạy vào đường cao tốc liệu có trách nhiệm của đơn vị quản lý tuyến cao tốc hay không?
Những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với các tuyến cao tốc đã được các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, xử lý nghiêm chưa? Các biện pháp kiểm soát tốc độ phương tiện trên đường cao tốc có phát huy hiệu quả? Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng đường cao tốc theo đúng tiêu chuẩn, có đủ 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp, có trạm dừng nghỉ...
Ở góc độ người tham gia giao thông, rõ ràng vẫn còn một bộ phận chưa có ý thức cao về đảm bảo an toàn. Tình trạng phá hàng rào bảo vệ đường cao tốc, chạy xe máy vào đường cao tốc vẫn đang diễn ra ở một số địa phương. Tình trạng lái xe chạy quá tốc độ, đi vào làn khẩn cấp, chuyển làn đột ngột, dừng đỗ không đúng nơi quy định… cũng là chuyện xảy ra “như cơm bữa” trên các tuyến cao tốc.
Nếu một tài xế không am hiểu pháp luật, không có kỹ năng và ý thức về văn hóa giao thông thì dù chúng ta có hệ thống đường cao tốc đạt chuẩn đến đâu, tai nạn cũng sẽ vẫn xảy ra, và hậu quả sẽ còn thảm khốc hơn nhiều khi tất cả các tuyến có tốc độ đạt từ 100km/giờ trở lên.
Đường cao tốc là hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho mỗi quốc gia. Nhưng nếu chúng ta chưa đồng thời hoàn thiện hạ tầng, xây dựng hành lang pháp lý, xây dựng văn hóa về an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, thì hậu quả sẽ khôn lường. Tốc độ cao nhưng an toàn vẫn phải là ưu tiên số 1.