Để hạt gạo hóa “hạt vàng”

(ĐTTCO)-Những năm gần đây, nước ta liên tục tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và thế giới, mở ra cơ hội tiêu thụ lớn cho nông sản Việt, trong đó có gạo và các sản phẩm từ gạo. Ðây có thể coi là động lực quan trọng cho tiến trình xây dựng thương hiệu gạo Việt với mục đích thâm nhập sâu, mở rộng thị phần tại các thị trường chất lượng cao, giá bán cao.
Bốc xếp gạo xuất khẩu ở cảng biển tại An Giang. (Ảnh CHÍ QUỐC)
Bốc xếp gạo xuất khẩu ở cảng biển tại An Giang. (Ảnh CHÍ QUỐC)

Theo Ðề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”, đến năm 2025, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo; trong đó gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm trung bình và thấp 15%, sản phẩm từ gạo 5%. Ðặc biệt, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu là 20%.

Những tín hiệu vui

Cuối tháng 6/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn- “Cơm ViệtNam Rice”- sang thị trường châu Âu. Hoạt động xuất khẩu này đánh dấu một cột mốc lớn trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của tập đoàn. Lần đầu tiên, gạo do Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng của tập đoàn được xuất khẩu sang thị trường chất lượng cao.

Giám đốc Xuất khẩu Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” đã xuất khẩu sang thị trường Pháp, Ðức, Hà Lan. Toàn bộ các lô hàng này được vận chuyển bằng đường biển, bảo đảm về chất lượng và được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn. Riêng lượng gạo “Cơm ViệtNam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour- hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu. Dự kiến tới đây, thương hiệu gạo này sẽ được tiếp tục phát triển vào thị trường Mỹ và các nước khác trong khối EU.

Nếu “Hạt ngọc trời” là thương hiệu dành cho thị trường nội địa, thì “Cơm ViệtNam Rice” là thương hiệu dành cho thị trường xuất khẩu. Lộc Trời đang tìm kiếm cơ hội để gạo Việt Nam được người tiêu dùng trực tiếp ở nước ngoài biết đến và qua đó từng bước vững chân trên thị trường quốc tế. Thị trường châu Âu được chọn là điểm đầu của con đường mang thương hiệu gạo Lộc Trời ra quốc tế.

“Ðể có lô hàng gần 500 tấn mang thương hiệu riêng này, Lộc Trời bắt đầu xây dựng giống phù hợp với thị trường châu Âu từ nhiều năm qua. Cùng đó là bảo đảm nghiêm ngặt quy trình canh tác trên ruộng. Từ năm 2019, Lộc Trời đã chú trọng huấn luyện quy trình trồng lúa tiêu chuẩn châu Âu cho nông dân và tạo cơ chế khuyến khích thưởng cho mỗi kg lúa đạt tiêu chuẩn châu Âu 200 đồng. Sau khi xây dựng được một đội ngũ nông dân có kỹ năng và tuân thủ điều kiện canh tác, tập đoàn tổ chức các vùng trồng đạt chuẩn.

Lộc Trời cùng chính quyền địa phương các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp xây dựng những vùng trồng chuyên canh theo tiêu chuẩn châu Âu nhằm bảo đảm năng lực cung ứng cho các đơn hàng lớn, nhất là đủ năng lực xuất khẩu gạo vào châu Âu theo ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA)” - ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin thêm .

Cùng trong công cuộc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá chia sẻ: Tập đoàn đã có Ðề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia A An. Ðề án là một bức tranh tổng thể về hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; hệ thống cơ sở hạ tầng các nhà máy xử lý lúa gạo sau thu hoạch và chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững.

Trong đó, nhấn mạnh ý nghĩa, mục đích các giai đoạn triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới và phát triển giống lúa. Trong mô hình hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp tham gia góp vốn và điều hành hợp tác xã, bao tiêu toàn bộ lúa canh tác sau thu hoạch; nông dân tham gia tập trung đồng ruộng và sản xuất. Khi mô hình đủ lớn và tập trung được số lượng đông đảo hợp tác xã, sẽ thành lập liên hiệp hợp tác xã theo mô hình của tập đoàn.

Ðối với kế hoạch về giống lúa, Tập đoàn Tân Long sẽ tích cực hợp tác với kỹ sư Hồ Quang Cua- “cha đẻ” của giống lúa ST25 để phát triển và phục tráng giống; chọn giống lúa xác nhận trong canh tác. Ðồng thời, tiến hành đặt hàng nghiên cứu và phát triển các giống lúa cao cấp trong tương lai.

Xây dựng “lộ trình” hợp lý

Theo TS Trần Văn Ðạt, nguyên chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), người tiêu thụ trong nước cũng như thế giới đều ưa chuộng loại gạo có thương hiệu, dù giá cao hơn. Tại Việt Nam đã có một số hoạt động xây dựng thương hiệu gạo như thương hiệu Một bụi đỏ Hồng Dân (gạo vàng sẫm có ánh hơi đỏ) ở Bạc Liêu, thương hiệu gạo thơm ST ở Sóc Trăng… nhưng còn riêng rẽ, thiếu chiến lược phối hợp và hỗ trợ đắc lực của Nhà nước.

Do đó, cần thiết lập Chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam. Trước hết, cần ưu tiên công tác khảo cứu, thu thập, tuyển chọn và lai tạo các giống lúa chất lượng tốt cho xuất khẩu. Ðây là công tác đầu tiên và quan trọng của chương trình xây dựng thương hiệu. Mặc dù hiện nay có nhiều giống lúa thơm được tiêu thụ trong nước, nhưng chỉ có vài giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tiếp theo là hướng dẫn nông dân sản xuất lúa xuất khẩu.

Cụ thể, những người trồng lúa trong những vùng dành cho xuất khẩu cần được hướng dẫn sản xuất lúa giống thuần mỗi năm và quản lý sản xuất từ gieo hạt đến thu hoạch, tồn trữ cho đúng tiêu chuẩn gạo xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần tổ chức hệ thống thu mua, tiêu thụ lúa gạo hữu hiệu để giảm khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho nông dân nhằm xây dựng nền sản xuất bền vững.

Ðể sớm hiện thực hóa việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, mới đây trong Chỉ thị số 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các địa phương xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Theo hướng đi này, hiện các địa phương đang nỗ lực mở rộng diện tích lúa chất lượng cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu phát triển thương hiệu sản phẩm lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, tập trung các giống lúa thơm nhóm ST theo hướng an toàn, thân thiện môi trường.

Ðến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đạt hơn 250 triệu đồng/ha. Trong số đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 80% sản lượng lúa của tỉnh. Ðể đạt được mục tiêu này, tỉnh đề ra kế hoạch phát triển thương hiệu và nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng: “Khi được triển khai, bên cạnh việc sử dụng giống lúa chất lượng cao, đề án xác định yêu cầu áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm” hoặc “3 giảm 3 tăng”, các kỹ thuật canh tác làm giảm phát thải khí nhà kính, kỹ thuật canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ hoặc theo quy định của quốc gia nhập khẩu”. Những yếu tố này chắc chắn sẽ giúp nông dân tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm giá thành sản xuất, góp phần quan trọng giúp gạo Việt Nam xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Các tin khác