Song trên thị trường lãi suất huy động đang liên tục tăng cộng với nhiều rủi ro khác, yêu cầu giảm lãi suất được đánh giá là một bài toán khó. Dù vậy, khó khăn này sẽ được hóa giải nếu vốn đầu tư công được giải ngân nhanh để nguồn vốn này quay trở lại NH dưới hình thức vốn huy động, giảm áp lực thanh khoản cho các NHTM.
Đầu vào tăng mạnh
Theo báo cáo của công ty chứng khoán Techcom Securities, trong tuần trước Tết Nguyên đán, Vietinbank đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, mức giảm là 0,3%. Tuy nhiên, NH cũng điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn huy động 24 tháng thêm 0,1% lên 6,8%/năm. Tại ACB, lãi suất huy động ở kỳ hạn 1 tháng giảm 0,1% xuống 5,1%/năm, nhưng kỳ hạn 3 tháng lại được điều chỉnh tăng 0,1% lên 5,4%/năm.
Hiện nay, nhiều DN than phiền lãi suất cao nhưng thực chất nhiều DN lớn, uy tín được NH ưu ái cho vay với lãi suất rất thấp, theo quy luật rủi ro cao lãi suất cao, rủi ro thấp lãi suất thấp. Do đó, các DN cần phải phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu để lớn mạnh hơn, từ đó sẽ có điều kiện tiếp cận vốn rẻ từ các NH. TS. Trần Du Lịch |
Trong khi đó, ghi nhận tại các NHTM trong tuần sau Tết Nguyên đán, lãi suất vẫn neo ở mức rất cao. Dẫn đầu thị trường là VietCapitalBank với lãi suất cao nhất là 8,7%/năm. Kế đến là SCB với mức lãi suất tiết kiệm trực tuyến niêm yết lên đến 8,65%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng được huy động trong khoảng 8,1-8,55%/năm. CBBank áp dụng lãi suất huy động cao nhất 8,6%/năm.
Tương tự, VPBank huy động lãi suất 8,6%/năm đối với sản phẩm tiết kiệm Phát Lộc Thịnh Vượng, điều kiện gửi từ 5 tỷ đồng trở lên kỳ hạn từ 18 tháng. BacABank, NCB huy động lãi suất cao nhất là 8,4%/năm, còn BaoVietBank tiếp tục duy trì mức lãi suất tiết kiệm 8,2%/năm trong suốt nhiều tháng qua.
Song song đó, sau Tết nhiều NH cũng đang cộng thêm hoặc trực tiếp tăng lãi suất để cạnh tranh huy động. Chẳng hạn thời điểm này, gửi tiền tại NamABank sẽ được cộng thêm 0,2% lãi suất và một số kỳ hạn huy động VNĐ cũng được điều chỉnh tăng, như kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3% lên mức 7,7%/năm, đồng thời nếu gửi tiết kiệm trực tuyến sẽ được áp dụng lãi suất 8%/năm.
Eximbank công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 12-2, tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lên 8,3%/năm. Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất từ 11-2, theo đó lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3% lên 6,3%/năm, các kỳ hạn khác tăng từ 0,1-0,2%, kỳ hạn 12 tháng áp dụng lãi suất 6,6%/năm đối với số tiền dưới 3 tỷ đồng và từ 3 tỷ đồng trở lên được cộng thêm 0,4% so với mức này. OCB đang khuyến mại tặng quà kèm ưu đãi trực tiếp về lãi suất từ 0,1-0,2% theo bậc thang tiền gửi và chính sách khách hàng ưu tiên.
Áp lực đầu ra
Áp lực đầu ra
Cũng như các năm trước, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục là yêu cầu được Chính phủ đặt ra đối với ngành NH.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, lãi suất huy động tăng sẽ khó thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất cho vay, vì các NH buộc phải giữ biên lợi nhuận tối thiểu có lợi cho hoạt động. Trong khi đó, biên lợi nhuận của các NHTM Việt Nam hiện nay cũng rất thấp. Đa số dự báo được đưa ra gần đây cũng đều cho rằng lãi suất vay năm 2019 sẽ tăng.
Khách hàng giao dịch tại KienlongBank.
Mới đây, 4 NHTM có vốn nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đã tiên phong giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên sau hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH, nhưng sau động thái này, các NHTMCP cũng không nối tiếp xu hướng này.
Một khảo sát của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đối với 28 TCTD Việt Nam công bố hồi đầu năm cho biết, 11/28 TCTD đánh giá lãi suất sẽ giảm trong năm 2019, nhưng có đến 17/28 TCTD đánh giá lãi suất sẽ tăng.
Ngoài các yếu tố trên, các chuyên gia cũng nhận định lãi suất còn chịu áp lực từ nợ xấu, vì các NH tuy đạt lợi nhuận cao trong năm 2018 nhưng tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh. Theo đó, các NH sẽ phải gia tăng chi phí để xử lý nợ xấu, từ đó gây áp lực lên lãi suất. Trong điều kiện như vậy, chỉ tiêu tín dụng của ngành NH chỉ ở mức 14% sẽ càng tác động đến khả năng giảm lãi suất của các NH.
Đáng chú ý, các NHTM thường tính lãi suất cho vay bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ từ 3-3,5%/năm. Gần đây, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng lại liên tục được các NHTM được điều chỉnh tăng, khiến nỗi lo tăng lãi suất luôn hiện hữu. Một rủi ro nữa đến từ xu hướng tăng lãi suất của các nước trong khu vực trước đà tăng lãi suất của FED, do đó cũng sẽ khó kỳ vọng Việt Nam sẽ giảm lãi suất.
Gỡ nút thắt để hỗ trợ lãi suất
Gỡ nút thắt để hỗ trợ lãi suất
Trước những lo ngại tăng lãi suất cho vay, TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định, bài toán này có thể gỡ được nếu như năm 2019 giải ngân đầu tư công được khơi thông. Hiện nay, lượng tiền của Kho bạc Nhà nước kẹt trong hệ thống NHTM rất lớn, khoảng 400.000 tỷ đồng. Mặc dù nằm trong hệ thống NH, nhưng lượng tiền này không được tính là tiền huy động, không thể dùng để đáp ứng nhu cầu tín dụng của DN.
Do đó, NH phải tăng cường huy động từ thị trường để đáp ứng nhu cầu cho vay, gây áp lực lên lãi suất. Tuy nhiên, nếu lượng tiền đó được giải ngân khoảng 50% sẽ hỗ trợ rất nhiều, vì khi lượng tiền của Kho bạc Nhà nước được giải ngân ra khoảng 1 tháng sau sẽ quay lại hệ thống NH. Khi đó, NH có thể sử dụng để cho vay, giảm áp lực huy động vốn từ thị trường, từ đó giảm áp lực tăng lãi suất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tú Anh cũng cho hay, khi xây dựng Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 để trình Chính phủ, NHNN cũng tập trung đề xuất giải ngân vốn đầu tư công, và lần đầu tiên trong Nghị quyết 01 đã có quy định về việc quy trách nhiệm cá nhân trong việc không giải ngân được vốn đầu tư công. Đây là kỳ vọng để có mặt bằng lãi suất tốt hơn trong năm 2019.
Trong thời điểm hiện nay, để hỗ trợ lãi vay, các chuyên gia đề xuất có thể chấp nhận lãi suất tiền gửi tăng, nhưng cơ quan quản lý cần phải kiểm soát mức độ tăng để không ảnh hưởng lớn đến mặt bằng lãi suất cho vay.
Ở một góc nhìn khác, dù đánh giá lãi suất sẽ tăng trong năm 2019 gây khó khăn cho DN, nhưng TS. Lê Thẩm Dương, Trường Đại học NH TPHCM cho biết, yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh không chỉ là lãi suất cho vay mà còn từ năng lực cạnh tranh của DN. Chỉ cần các DN nâng được năng lực kháng cự mạnh lên, lập tức sẽ không chịu tác động nhiều từ vĩ mô và khi đó dù lãi suất tăng đến đâu vẫn có thể trụ vững trong nền kinh tế.