Đề xuất 2 nhóm giải pháp thúc đẩy đầu tư công cuối năm

(ĐTTCO) – Bộ KH-ĐT vừa đề xuất 2 nhóm giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công những tháng còn lại của năm 2022.
Một là, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Trong nhóm giải pháp này, Nghị quyết phân công cụ thể trách nhiệm của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong rà soát các quy định pháp luật.
Trong đó, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, người đứng đầu các cơ quan trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm rà soát các quy định hiện hành về đầu tư công, chỉ ra những quy định bất cập trong thực tiễn triển khai.
Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định thuộc thẩm quyền đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, quản lý, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Đề xuất 2 nhóm giải pháp thúc đẩy đầu tư công cuối năm ảnh 1 Trong những tháng đầu năm nay, tiến trình giải ngân đầu tư công diễn ra rất chậm. Ảnh: minh họa
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến triển khai các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ KH-ĐT trong tháng 9-2022 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ…
Hai là, tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong nhóm giải pháp này, Nghị quyết phân công cụ thể trách nhiệm của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong phạm vi được giao quản lý.
Trong đó, lưu ý một số mốc thời gian như, căn cứ tình hình thực tế giải ngân, trường hợp dự kiến giải ngân không hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao hoặc có nhu cầu bổ sung vốn, có văn bản đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn, gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để tổng hợp chung.
Đối với các nhiệm vụ, dự án được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trường hợp cần bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện các dự án ngay trong năm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có văn bản đề xuất, gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính trước ngày 15-9-2022 để tổng hợp chung.
UBND các tỉnh, thành phố cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng bảo đảm theo quy định làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
 Mục tiêu của Bộ KH-ĐT đặt ra là phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 được Quốc hội quyết nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội là 526.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là hơn 304.000 tỷ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sáng năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 là hơn 542.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31-8-2022, tổng vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là gần 508.000 tỷ đồng, đạt 93,7% kế hoạch được Thủ tướng  giao. 

Các tin khác