Bộ Tài chính vừa dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị định gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Bộ Tài chính, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ôtô.
Thực hiện chỉ thị chống dịch của chính quyền các địa phương, nhiều đại lý kinh doanh ôtô của các hãng xe Toyota, Ford, Mitsubishi... tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh một trong những thị trường ôtô lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động và gần như rơi vào cảnh “đóng băng” đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2021.
Không chỉ hoạt động bán hàng, Bộ Tài chính cho biết các nhà máy sản xuất ôtô của một số hãng xe cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Chưa có năm nào mà thị trường ôtô Việt Nam trải qua nhiều sóng gió như năm 2021. Dịch COVID-19 đã để lại dấu ấn khó quên cho toàn thị trường khi doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Có thể nói sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước là lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID cần có sự hỗ trợ của nhà nước.
Do đó, thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo Tờ trình Chính phủ và Nghị định của Chính phủ về việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và gửi lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ban hành Nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn.
Theo quy định của Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế thuế tiêu thụ đặc biệt theo tháng và thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.
Để việc gia hạn thời hạn nộp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2022 đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước và phù hợp với thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9 của năm 2022 đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Cụ thể, thời hạn nộp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9/2022 chậm nhất là ngày 20/11/2022.
Việc gia hạn áp dụng đối với trường hợp kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn và áp dụng đối với doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ôtô thực hiện kê khai thuế thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Về trình tự, thủ tục đề nghị gia hạn, dự thảo đề xuất người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi giấy đề nghị cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế thuế tiêu thụ đặc biệt thì thời hạn nộp giấy đề nghị chậm nhất là ngày 20/11/2022.
Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn hoặc trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn thì cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn.
Người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn. Trường hợp, cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Do là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Mặt khác, để đảm bảo chặt chẽ, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định, sau thời gian gia hạn theo nghị định này, việc nộp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành. Đồng thời, giao cho Bộ Tài chính tổ chức thực hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định.
Bộ Tài chính đánh giá, việc giảm thuế này dự kiến giảm thu ngân sách từ 2.000-3.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng khoảng từ 170- 250 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn 4 kỳ (từ kỳ tính thuế tháng 6 đến tháng 9) khoảng từ 9.300-11.400 tỷ đồng.