Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành, trong tháng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tổ chức hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó giảm thêm 2%/năm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc diện được vay vốn của quỹ.
Sản phẩm lõi giấy bọc màng nhựa PE khi được doanh nghiệp bán ra thị trường có thể hạ giá khoảng 15% và hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Lý do là doanh nghiệp có thể vay được nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và tiết kiệm được chi phí lãi vay lên đến 700 triệu mỗi năm.
Công ty Bao bì ống giấy Hải Dương vay 18 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, khoản vay ưu đãi này đặc biệt có nghĩa với doanh nghiệp.
"Chúng tôi vay với lãi suất ưu đãi 4%. Nhờ vào việc vay khoản vay lãi suất thấp thế này, chúng tôi bớt được áp lực trả nợ, tập trung vào sản xuất", ông Vũ Xuân Anh, Giám đốc Công ty Bao bì ống giấy Hải Dương, chia sẻ.
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2016 đến nay, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giải ngân gần 600 tỷ đồng cho 37 dự án khởi nghiệp sáng tạo, tham gia chuỗi giá trị và tham gia cụm liên kết ngành. Đây là con số khá khiêm tốn so với số lượng và nhu cầu vay của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, quỹ đã chấp thuận cho vay 8 doanh nghiệp với số vốn đã giải ngân đạt 260 tỷ đồng, bằng gần 87% kế hoạch năm.
Trước nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 105, đại diện quỹ cho biết đang xây dựng kế hoạch cắt giảm lãi suất vay theo đúng yêu cấu của Chính phủ.
"Chúng tôi sẽ chọn lãi suất thấp nhất trong 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và giảm thêm 20% thì ra được lãi suất của quỹ, đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết 105, giảm thêm 2% nữa", ông Phạm Xuân Kiên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.
Hiện tại, vốn điều lệ quỹ đã được cấp là 837 tỷ đồng, căn cứ vào tình hình hoạt động, vốn điều lệ có thể được bổ sung thành trên 2.000 tỷ đồng để có thêm nguồn lực hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp hơn.
"Huy động thêm cổ đông từ bên ngoài, huy động thêm các nhà đầu tư khác, thậm chí là góp vốn của các ngân hàng vào", ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cho hay.
Hiện quỹ chủ yếu cho vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại, nên thời gian tới quỹ sẽ phát triển bộ máy thẩm định để có thể cho vay trực tiếp, hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp.