Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT với xăng dầu

(ĐTTCO) - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với cả xăng và dầu.
Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, khó dự báo. Nhiều quốc gia đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát tăng cao kèm theo lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT với xăng dầu ảnh 1 Theo Bộ Tài chính, nếu đề xuất giảm thuế  được chấp thuận và có hiệu lực từ ngày 1-11 thì sẽ góp phần làm giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 khoảng 0,15%.
Trong dự thảo nghị quyết này, Bộ Tài chính trình 2 phương án giảm thuế với mặt hàng xăng, dầu.
Phương án 1, giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế GTGT đối với xăng, dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn).
Phương án 2, giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế GTGT đối với xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn).
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu phương án giảm thuế được thông qua, bình quân một tháng, số giảm thu ngân sách nhà nước của 2 sắc thuế này khoảng 2.031 tỷ đồng.
Trong đó, giảm thu ngân sách nhà nước do giảm thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 711 tỷ đồng/tháng, giảm thu ngân sách nhà nước do giảm thuế giá trị gia tăng khoảng 1.320 tỷ đồng/tháng.
Đồng thời, nếu đề xuất giảm thuế  được chấp thuận và có hiệu lực từ ngày 1-11 thì sẽ góp phần làm giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 khoảng 0,15%.

Các tin khác