Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, các DN dệt may Việt Nam đã cải thiện được năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu của thị trường khó tính.
Đầu tư đón đầu
Trên thực tế, trước khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, ngành dệt may đã thu hút nhiều dự án đầu tư lớn. Không ít DN đã đầu tư khoản chi phí lớn để thay đổi công nghệ hiện đại.
Đơn cử, Tổng công ty cổ phần May 10 (May 10) được đánh giá là đơn vị thành công trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ sớm đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý. Hiện 80% sản lượng được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Đức, Nhật Bản…
May 10 có 18 xí nghiệp thành viên tại 7 tỉnh, thành phố cùng khoảng 12.000 lao động. Đơn vị này đã áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin vào quản lý, nhờ đó thời gian sản xuất một sản phẩm giảm từ 1.980 giây xuống 1.200 giây và hiện chỉ còn 690 giây/sản phẩm. Hiện mỗi công nhân có thể điều khiển 2 máy, thay vì 2 người điều khiển một máy như trước.
Nhờ áp dụng các giải pháp về công nghệ, May 10 đã tăng năng suất lao động lên 52%; tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%. Ngoài ra, công ty cũng giảm thêm một giờ làm việc/ngày, tăng thu nhập cho công nhân trên 10%, giảm chi phí sản xuất 5% - 10%/năm.
Công ty cổ phần An Hưng (Anhuco) vừa khởi công dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, gồm 3 nhà máy sản xuất chính với quy mô công suất 8 triệu sản phẩm/năm: nhà máy sản xuất veston với năng lực khoảng 600.000 bộ/năm; nhà máy woven sản xuất hàng vải dệt thoi; nhà máy dệt kim sản xuất hàng thời trang và thể thao.
Khu sản xuất tập trung này sẽ giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động địa phương, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 triệu USD/năm. Tương tự, Tập đoàn Regina dẫn đầu thế giới về thiết kế và sản xuất trang phục phụ nữ, trang phục thể thao cho các thương hiệu nổi tiếng như Victoria’s Secret, Adidas, Under Armour… đã khởi công tiếp dự án Regina Hưng Yên. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay với công suất thiết kế của nhà máy tới 25 triệu sản phẩm/năm.
Từ đơn giản đến phức tạp
Nhờ đầu tư công nghệ mới và mở rộng quy mô, thay vì nhận những đơn hàng gia công đơn thuần, nay các công ty này đều có thể nhận những đơn hàng khó như veston, jacket, đồ lót…
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đã có nhiều DN đầu tư các khâu tự động, đạt được độ chính xác cao. Những khâu cực khó đều sử dụng robot hóa, thay thế được 8 công nhân tại cùng một công đoạn. Thậm chí, những kỹ thuật hóc hiểm của áo veston nam cũng đã được thay thế bằng máy móc tự động.
Các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, với một ngành hàng xuất khẩu có năng lực 45 - 50 tỷ USD mỗi năm, việc các DN quan tâm phát triển theo hướng bền vững, tập trung vào chất lượng đơn hàng và chất lượng khách hàng là bài toán đầu tư khôn ngoan.
Tuy nhiên, khúc mắc cốt lõi của ngành dệt may trong nước hiện nay là chi phí quá cao, thiếu kiến thức và thiếu nhân lực phù hợp. Đây là những rào cản chính tác động đến việc ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngành dệt may của Việt Nam.
Do đó, với các DN chưa đủ lực, nên đầu tư từng phần thiết bị sử dụng công nghệ số ở những khâu đơn giản, có tính lặp lại cao cho sản xuất sản phẩm phức tạp, tính thời trang cao như áo jacket, veston, váy… Song song với đầu tư nền tảng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý nhà máy như ERP, PLM…, cần tiến tới xây dựng nhà máy thông minh. Ngành dệt may cũng cần phát triển các sản phẩm sợi nano, kháng khuẩn, chống cháy, các phần mềm điều hành nhà máy dệt may, hay phát triển các ứng dụng 3D trong thiết kế cá nhân hóa sản phẩm.
Ngoài ra, DN cần cấp thiết nâng cấp kiến thức và kỹ năng của nhân lực ngành dệt may và sợi dệt. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng công nghiệp 4.0 vào ngành dệt may, thông qua việc mở thêm các ngành đào tạo theo hướng liên ngành.
“DN đầu tư sản xuất các mặt hàng khó về kỹ thuật còn đạt được mục tiêu khác là giảm thiểu sự biến động của thị trường. Bởi lẽ, cho dù thị trường biến động, đơn giá biến động, sức ảnh hưởng đến DN vẫn sẽ rất nhỏ vì khi DN làm mặt hàng khó, không dễ để bên đặt hàng tìm được nhà sản xuất khác thay thế”, ông Lê Tiến Trường phân tích. |