Thống kê báo cáo tài chính tại 20 doanh nghiệp dệt may quý I-2021 cho thấy, gần 50% số doanh nghiệp này tăng trưởng dương về lợi nhuận; 6/20 doanh nghiệp lợi nhuận suy giảm; 5 doanh nghiệp báo lỗ, trong đó 2/5 doanh nghiệp này chuyển từ lãi sang lỗ.
Lợi nhuận trái chiều, nhiều doanh nghiệp dệt may "chới với" suy giảm lợi nhuận
Đứng đầu nhóm bứt phá là CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) và Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (HSM), với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lên tới 83%, đạt lần lượt 62 tỷ đồng và 11 tỷ đồng quý I-2021.
Một số công ty dệt may có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng cao từ 60 - trên 70% có thể kể đến như Tổng Công ty May 10 (M10) tăng trưởng 72,7%; Tổng Công ty may Việt Thắng (TVT) tăng 70,6%, hay như CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) báo lãi 71 tỷ đồng, tăng trên 65% so với cùng kỳ;...
Trong gam màu sáng, Tổng Công ty May Việt Tiến (VGG) là doanh nghiệp Dệt may duy nhất trong số này chuyển từ lỗ 22 tỷ đồng sang lãi 4 tỷ đồng trong quý I-2021.
Dù lợi nhuận chỉ tăng trưởng 50% so với cùng kỳ song Tổng công ty May Sông Hồng (MSH) hiện dẫn đầu về lợi nhuận nhóm này, với 93 tỷ đồng lãi ròng trong quý I-2021, cùng kỳ năm trước MSH báo lãi 62 tỷ đồng.
Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) cũng báo lãi quý I tăng 35%, đạt 70 tỷ đồng bất chấp doanh thu đi lùi. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ lãi gộp và do chi phí lãi vay, chênh lệch tỷ giá của hoạt động đầu tư ngắn, dài hạn cùng kỳ năm trước khá cao.
Theo GMC, do tình hình dịch Covid-19 nên số lượng đơn đặt hàng của một số khách hàng giảm. Bên cạnh đó, GMC phải nhận thêm mặt hàng gia công nội địa nên doanh số xuất khẩu giảm.
Lãi ròng của Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) lại đi lùi 34%, ghi nhận 22 tỷ đồng. TNG cho biết do ảnh hưởng của dịch, đối với các đơn hàng mới ký với khách hàng trong quý I, mặc dù số lượng sản phẩm tuy nhiều nhưng đơn giá thấp hơn cùng kỳ từ 5-10% trong khi các chi phí đầu vào, chi phí phải trả người lao động không giảm dẫn đến chi phí cho một sản phẩm tăng so với cùng kỳ.
Với CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM), quý I-2021 lỗ 47 tỷ đồng, đây cũng là quý thứ 9 liên tiếp doanh nghiệp này làm ăn "bết bát", nâng tổng lỗ lũy kế của lên gần 244 tỷ đồng.
Không chỉ tiếp tục ghi nhận lỗ trong quý đầu năm, mới đây, MPT – cổ phiếu của Tập đoàn Trường Tiền còn nhận được thông báo chính thức về việc cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết kể từ ngày 25-5. Nguyên nhân bị hủy niêm yết là do đơn vị kiểm toán đã từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2020.
Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng lãi ròng cao trong quý I-2021 nhưng Dệt may Thành Công lại đứng trước nỗi lo mất tiền tỷ đồng, với khoản nợ khó đòi từ Roebuck & Co và Công ty Kmart Corporation.
Tuy nhiên, gần cuối năm 2018 "gã khổng lồ" này đã "ngã ngựa", phá sản, khiến hàng loạt nhà cung cấp điêu đứng và dệt may Thành Công cũng không ngoại lệ.
Báo cáo tài chính quý I-2021 của TCM cho thấy công ty đang có khoản phải thu ngắn hạn hơn 405 tỷ đồng, tăng gần 43% so với hồi đầu năm. Chỉ riêng khoản nợ của Sears đã lên gần 100,5 tỷ đồng, chiếm 25% trong tổng cơ cấu nợ phải đòi ngắn hạn.
Tính đến hết quý I-2021, TCM đã trích lập dự phòng cho khoản nợ khó đòi lên gần 99,4 tỷ đồng.
May Sông Hồng cũng không khá hơn khi đang gánh gần 654 tỷ đồng tiền phải thu của khách hàng ngắn hạn, tăng 19,5% so với hồi đầu năm.
Trong đó, khoản phải thu của đối tác New York & Company hơn 218 tỷ đồng nhưng ước tính giá trị có thể thu hồi chỉ 32 tỷ đồng. Vì vậy MSH đã trích lập dự phòng gần 186 tỷ đồng cho khoản phải thu này.
Được biết, chủ sở hữu chuỗi thời trang The New York & Company – "khách sộp" của May Sông Hồng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 7-2020.
Tại báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán SSI cho biết Retailwinds - công ty mẹ của The New York & Company, đã hoàn tất bán mảng thương mại điện tử và các tài sản trí tuệ liên quan cho Tập đoàn Saadia, nhằm trang trải các nghĩa vụ tài chính cho các chủ nợ. Trong ngắn hạn, MSH có thể thu hồi 37% khoản nợ của NY&Co. (tương đương với 81 tỷ đồng, theo ước tính của SSI) và kỳ vọng nhận được tiền trong quý II-2021.