Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) NH năm nay ở một số NHTM tuần qua trái với dự đoán ban đầu khi diễn ra khá buồn tẻ ở khâu chất vấn, phản biện của cổ đông về kết quả kinh doanh 2011 và kế hoạch 2012; chỉ nóng lên xung quanh chuyện sáp nhập, tăng vốn và việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK.
Nóng chuyện M&A
Mùa ĐHCĐ của các NHTM những năm trước các cổ đông thường chất vấn HĐQT, ban tổng giám đốc về kết quả kinh doanh đạt được năm qua, hay cơ sở nào đưa ra chỉ tiêu kinh doanh trong năm mới. Nhưng năm nay đa phần cổ đông lại quan tâm nhiều đến những vấn đề ngoài lề đang được dư luận quan tâm, như liệu NH có ý định sáp nhập, mua bán với NH khác?
Trả lời về vấn đề này tại ĐHCĐ ACB diễn ra cuối tuần qua, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho rằng trong thời điểm hiện nay nếu có điều kiện thuận lợi hoặc có đối tác phù hợp, việc hợp tác và sáp nhập là một trong những động cơ giúp việc tăng trưởng của ACB nhanh hơn.
Điều này cũng đã được ban nghiên cứu chiến lược ACB nêu ra cách đây hơn 5 năm. Tuy nhiên, việc sáp nhập nếu diễn ra phải đảm bảo giá trị tăng thêm cho cổ đông chứ không chỉ để tạo ra một tổ chức quy mô hơn nhưng kém hiệu quả về chất lượng họat động. “Hoạt động cơ cấu sáp nhập là hoạt động mang tính khoa học, nghệ thuật rất cao, phải có quá trình khéo léo chứ không chỉ đơn thuần gắn 2 tổ chức lại với nhau.
Bởi không khéo sẽ tạo ra những xung đột rất lớn về mặt văn hóa kinh doanh, con người, rủi ro. Vì thế, việc M&A không loại trừ trong chiến lược tăng trưởng của ACB trong quá trình tăng trưởng 5 năm tới, nhưng quá trình này diễn ra như thế nào nằm trong nghiên cứu của HĐQT sẽ trình cổ đông khi có quyết định” - ông Hải nhấn mạnh.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, cho biết DongA Bank đã được một NH nhóm 1 đề xuất hợp nhất, một NH nhóm 2 có đại diện nước ngoài 20% vốn cũng đặt vấn đề hợp nhất. Tuy nhiên, HĐQT vẫn trong quá trình trao đổi và chưa có ý kiến của NHNN nên chưa được công bố thông tin.
Vì vậy, NH trình đại hội cho phép HĐQT chủ động tiếp xúc, tìm hiểu các định chế tài chính trong và ngoài nước trong thời gian sớm nhất. Từ đó phân tích khả năng hợp tác, sáp nhập, mua bán của các đối tác, nếu phù hợp sẽ lập phương án và tờ trình cụ thể xin ý kiến ĐHCĐ.
Trước lo lắng làm sao có thể giữ được thương hiệu DongA Bank khi sáp nhập, ông Bình cho biết các đối tác khi làm việc cùng NH thì thương hiệu luôn được nhắc tới, HĐQT cam kết thương hiệu DongA Bank sẽ không biến mất. Tại ĐHCĐ NamABank, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT, cho biết NamABank được đánh giá là NH nhóm 2, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 15% và NH đã vượt qua khó khăn, thanh khoản ổn định.
Hợp nhất, sáp nhập là xu hướng chung nhưng năm nay NamABank đủ tiềm lực để phát triển riêng. Trong đó, NamABank chủ yếu ổn định nội lực, phát triển theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” chứ không định hướng sáp nhập để tăng tốc phát triển.
Ngại niêm yết
Nhiều cổ đông của DongA Bank thắc mắc về việc tại sao DongA Bank đã trình cổ đông kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Ông Phạm Văn Bự, Chủ tịch HĐQT DongA Bank, cho rằng TTCK đang trong giai đoạn khó khăn, cụ thể là liên tục sụt giảm từ năm 2011 đến nay, nên nếu niêm yết vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi các cổ đông.
Thêm vào đó, hiện nay DongA Bank chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài, nếu niêm yết rủi ro về mua "gom" trên sàn là rất lớn, NH sẽ mất cơ hội kiếm đối tác chiến lược để tạo thặng dư vốn cho cổ đông.
Vì vậy, ông Bự đề nghị tiếp tục lùi thời hạn niêm yết để đảm bảo quyền lợi cổ đông. Ông Trần Phương Bình cũng cho rằng nếu cổ đông nhỏ lẻ muốn mua ít cổ phiếu DongA Bank thì theo giá thị trường, nhưng muốn sở hữu từ 20% vốn điều lệ phải trả giá cao mới mua được.
ĐHCĐ thường niên 2012 của DongA Bank. Ảnh: LÃ ANH |
Về vấn đề niêm yết, HĐQT của NamABank cho biết trước mắt sẽ tập trung củng cố vị thế rồi mới tính đến chuyện niêm yết và kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, một cổ đông lâu năm của NH này than phiền việc vừa qua do cần tiền đột xuất giải quyết chuyện gia đình, bà đến NH đề nghị bán một phần cổ phiếu có giá gốc 10.000 đồngcổ phiếu, nhưng bán với giá 5.000 đồng/cổ phiếu cũng không bán được.
Bà đem chuyện này chất vấn HĐQT NamABank. Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Loan cho rằng liên quan đến vấn đề cổ phần, cổ phiếu của NamABank, cổ đông nên liên hệ đúng bộ phận là văn phòng HĐQT và bà Loan hứa NH sẽ linh động giải quyết trường hợp như trên.
Tuy nhiên, bà Loan thừa nhận trong bối cảnh hiện nay không chỉ riêng cổ phiếu NamA Bank mà nhiều cổ phiếu NH bị giảm xuống dưới mệnh giá, nên cũng mong cổ đông chia sẻ, gắn bó cùng NH vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển trong tương lai.
Một vài vấn đề khác được nhiều cổ đông quan tâm là việc tiết giảm chi phí trong tình hình khó khăn hiện nay, vấn đề rủi ro vận hành và giải quyết nợ xấu. Trong đó, nhiều cổ đông yêu cầu các NHTM phải quản lý chi phí minh bạch từng tháng, từng quý và những khoản khai thác các tài sản bất động sản của NH…
Trả lời cổ đông về việc quản lý tình trạng nhân viên NH có thể cấu kết với bên ngoài để chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho NH, ông Lý Xuân Hải cho biết hiện nay kiểm toán nội bộ ACB được giao nhiệm vụ đánh giá toàn bộ những giao dịch mang tính đáng ngờ của nhân viên để trên cơ sở đó nếu có những dấu hiệu chứng minh nhân viên nào nếu tham gia đảo nợ sẽ có biện pháp xử lý như yêu cầu nghỉ việc vì đã vi phạm quy chế làm việc của ACB.