Chị Nguyễn Túy Hòa đến từ tỉnh Quảng Trị, chưa hết sốc về phiên đấu giá, kể: “Những lô đất ở Ngư Thủy Bắc nằm ven biển bãi ngang tương tự như cồn cát, chỉ có rừng dương lúp xúp. Giá khởi điểm công bố 3 triệu đồng/m2 đất nhưng kết thúc cuộc đấu giá đã đẩy lên 12-13 triệu đồng/m2. Thật khủng khiếp!”.
Những người tham gia phiên đấu giá đất hầu hết là người trẻ, vay vốn từ ngân hàng, kỳ vọng nếu đấu trúng sẽ chuyển nhượng ngay tại chỗ, lãi cả trăm triệu đồng.
Tại Lâm Đồng, ngoài TP Đà Lạt và Bảo Lộc, sốt đất cũng diễn ra tại vùng ven. Khu vực các xã thuộc huyện Lâm Hà giáp với TP Đà Lạt, đất vườn giao dịch khá sôi động 1-1,5 tỷ đồng/sào, trong khi cùng thời điểm năm trước chỉ khoảng 700 triệu đồng/sào. Còn các xã vùng ven TP Đà Lạt hiện đất vườn cũng đều trên ngưỡng 2 tỷ đồng, đất có đường giao thông tốt thì giá hơn 3 tỷ đồng/sào.
Tại Đắk Lắk, thông tin đồn thổi về các tập đoàn lớn về làm dự án nên giá đất tại một số xã thuộc huyện Cư M’gar đã tăng rất cao. Tại xã Cuôr Đăng, trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, rộ lên thông tin Tập đoàn FLC sẽ đầu tư xây dựng sân golf, khu nghỉ dưỡng tại hồ Ea Nhái thì giá đất nhảy vọt bất thường. Nhiều thửa đất có vị trí đẹp, giáp với mặt hồ được hét giá khoảng 300 triệu đồng/mét dài, gấp nhiều lần so với trước đó. Tại các huyện Buôn Đôn, Krông Pắk, Ea Kar… giá đất cũng “nóng” không kém.
Ở Gia Lai, hiện nay xu hướng đang nổi lên là mua đất vùng ven như xã Chư Đăng Ya, Tiên Sơn (huyện Chư Pah), xã Ia Băng (huyện Đắk Đoa) với giá cao gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Loại đất được ưa chuộng là có mặt sông, suối. Một số khu vực cách xa TP Pleiku chừng 60km như ở xã Ia Ga, huyện Chư Prông, cũng xảy ra tình trạng sốt đất dù nơi đây không có dự án hạ tầng nào đang triển khai. Thậm chí, tại xã biên giới Ia Mơ giáp với Campuchia, hiện đang có một số đối tượng đầu cơ đến tìm hỏi mua đất rẫy dù xã này là xã nghèo, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số...