Không chỉ vậy, những công cụ ứng dụng để làm việc, giao tiếp như Facebook Messenger, WhatsApp Business, Viber… đang đáp ứng nhu cầu người dùng.
Thay đổi phương thức tiêu dùng, mua sắm
Với nghiên cứu của hãng Infobip, khi không còn giãn cách xã hội và làm việc tại nhà, thì quá trình chuyển đổi số vẫn là tất yếu. Infobip đã khảo sát trên 2.760 người ở Singapore, Malaysia, Indonesia, lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Philippines cho thấy, nhiều công ty đã và đang thay đổi cách làm việc truyền thống, chuyển dần sang áp dụng công nghệ. Về lâu dài, doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm những công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về mặt tốc độ và tính cá nhân hóa.
Sách trắng hướng dẫn về TMĐT B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) của Tập đoàn DHL Express khẳng định, dịch Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và sự tăng trưởng đáng kể của TMĐT B2B và B2C (doanh nghiệp với khách hàng). Thị trường TMĐT B2B sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Theo đó, đến năm 2025, khoảng 80% các giao dịch mua bán B2B giữa nhà cung cấp và doanh nghiệp sẽ diễn ra trên các kênh kỹ thuật số. Xu hướng tăng trưởng TMĐT toàn cầu chủ yếu đến từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với tốc độ số hóa và sự thay đổi hành vi mua hàng của thế hệ millennials (Gen Y, thế hệ sinh ra trong giai đoạn 1981-1996), đây cũng chính là những người mua hàng B2B chuyên nghiệp xét theo độ tuổi hiện nay.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc, DHL Express nhận thấy số lượng hàng hóa vận chuyển tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước trong 2 tháng cao điểm là tháng 11 và 12-2020, bởi có nhiều người gửi hàng hơn và mức chi tiêu của khách hàng cũng tăng hơn 21%.
Từ khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. “Người tiêu dùng hiện nay đang kỳ vọng doanh nghiệp sẽ đưa ra giải pháp có lợi cho sức khỏe của họ, đồng thời qua đó doanh nghiệp cũng cần xem đây là cơ hội để cung cấp những trải nghiệm trên môi trường internet tốt hơn, phục vụ người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Bích Chung, Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar nhận định.
Tiếp tục ứng dụng nền tảng công nghệ
“Năm 2020, những công ty áp dụng các công cụ số để mang đến trải nghiệm phù hợp hơn với khách hàng đều thu lại kết quả tích cực. Nghiên cứu dữ liệu sâu hơn cho thấy, những vấn đề như đa dạng kênh hỗ trợ khách hàng, quản lý và làm quen với các kênh hỗ trợ mới là thách thức phổ biến nhất trong quá trình chuyển đổi số. Chúng tôi cũng nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam và bây giờ là thời điểm chiến lược để doanh nghiệp xem xét áp dụng các giải pháp kết nối đa kênh và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó mang đến trải nghiệm, dịch vụ liền mạch trên nền công nghệ số”, ông Phạm Gia Dân, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Infobip Việt Nam, nói.
Mở rộng vấn đề, ông John Pearson, Tổng Giám đốc DHL Express, cho biết, ngay cả thời điểm nhiều nơi trên thế giới bị phong tỏa do dịch bệnh, sự toàn cầu hóa vẫn thể hiện tính bền vững của nó, nhờ vào chuyển đổi số và thương mại toàn cầu. Những xu hướng này dẫn đến việc ngày càng có nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến. TMĐT và logistics toàn cầu là yếu tố chính giúp khơi thông những gián đoạn do tình trạng phong tỏa gây ra, duy trì hoạt động của các nền kinh tế và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.
Đáng chú ý, nghiên cứu thị trường tiêu dùng mới nhất của Viện Giá trị doanh nghiệp (IBV) được Tập đoàn IBM công bố đã cho thấy sự lạc quan tích cực của bộ phận người tiêu dùng đối với vaccine Covid-19. Sau khi tiêm vaccine Covid-19, triển vọng phục hồi của thị trường bán lẻ và lữ hành rất khác nhau giữa những người tiêu dùng được khảo sát theo thế hệ. Nhưng trong một số trường hợp, phản hồi của nhóm Gen Z (những người từ 18-24 tuổi) được khảo sát, có xu hướng ngoại lệ. Hầu hết nhóm Gen Z được khảo sát muốn dành thời gian với những người bên ngoài gia đình sau khi được tiêm vaccine…
Ông Jesus Mantas, Giám đốc cấp cao, Nhóm tư vấn doanh nghiệp của IBM, cho biết: “Những thói quen hình thành trong dịch Covid-19 đã nâng cao kỳ vọng của người tiêu dùng về sự tương tác kỹ thuật số, đặc biệt là các ngành dịch vụ như bán lẻ, du lịch và vận tải. Đầu tư vào trải nghiệm vật lý và kỹ thuật số kết hợp sẽ giúp việc cung cấp trải nghiệm cho người tiêu dùng được liền mạch hơn”.