Vietnam Airlines có 100 máy bay nhưng có tới 40 chiếc đang phải “đắp chiếu” do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, tại thị trường trong nước, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) “kéo” hàng không chậm lại 3-4 năm và làm cho tích lũy của 4-5 năm trước coi như về 0.
Nhấn mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 là "chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không," ông Thành cho biết không có khách nên phải dừng bay. Riêng, Vietnam Airlines có 100 chiếc máy bay và bây giờ 40 máy bay nằm chờ. Đáng nói, máy bay phải dừng hoạt động nhưng cũng không thể cho thuê vì dịch bệnh bùng phát mạnh.
Đơn cử như trường hợp các chuyến bay Vietnam Airlines thường lệ tới Seoul và Busan (Hàn Quốc) với tần suất từ 6 chuyến bay/ngày và khai thác bằng máy bay Boeing 787 và Airbus 350, nay giảm xuống còn 4 chuyến bay/ngày và sử dụng máy bay Airbus 321.
[Hàng không Việt giảm tần suất, dừng một số đường bay tới Hàn Quốc]
Theo vị Tổng giám đốc Vietnam Airlines, để giảm thiểu tối đa thiệt hại vì máy bay nằm chờ, hãng đã tìm được nguồn đối tác châu Âu để cho thuê máy bay từ tháng Một vừa qua và hai bên đã đàm phán, làm gần xong hợp đồng cho thuê 10 chiếc máy bay.
Thế nhưng trong tuần vừa qua, phía đối tác đã hủy thuê máy bay với lý do châu Âu cũng đang bị dịch bệnh nên khách đi lại giảm.
“Dịch bệnh ảnh hưởng tới hàng không và du lịch là đầu tiên và trực tiếp ngay lập tức. Những ngày trước hãng đánh giá dịch COVID-19 xấu nhất kéo dài đến hết tháng Năm và sang mùa hè là dần dần phục hồi. Nhưng với tình hình hiện nay khi học sinh, sinh viên nghỉ học khiến thời gian kết thúc năm học lùi lại, hàng không cũng không còn cao điểm hè trong thị trường nội địa,” ông Thành đưa ra góc nhìn.
Khẳng định mục tiêu của Vietnam Airlines bây giờ không còn nói chuyện tới lợi nhuận mà là dòng tiền để tồn tại được trong bối cảnh hiện nay, ông Thành cho rằng, tại Tổng công ty, lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị, lãnh đạo Tổng Công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, ngoài mất toàn bộ lượng khách Trung Quốc trong giai đoạn tạm ngừng khai thác đường bay Việt Nam-Trung Quốc, hãng cũng sẽ bị giảm lượng khách trên các đường bay quốc tế khác đi/đến châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á... cũng như trên mạng bay nội địa do tâm lý lo ngại dịch bệnh (hiện đang có ngày càng nhiều đoàn khách đã thực hiện hủy chuyến).
Dẫn đến, Vietnam Airlines phải triển khai điều chỉnh phương án khai thác, hủy toàn bộ các đường bay thường lệ và thuê chuyến đi Trung Quốc, Macau, Hong Kong, giảm tần suất bay, giảm tải cung ứng trên các đường bay đi hầu hết các đường bay quốc tế khác.
“Việc cắt giảm khai thác làm giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đối với hoạt động vận tải của hãng và 17 doanh nghiệp thành viên đồng thời gây ra những biến động lớn khác như về khai thác tàu bay, phi công, tiếp viên, tài chính, dòng tiền và các hoạt động với các bên cung ứng,” lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.
Tại cuộc họp đánh giá thiệt hại của ngành vận tải do dịch COVID-19 của Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 27/2 vừa qua, thay vì dự kiến thiệt hại 10.000 tỷ đồng như cách đây nửa tháng, theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng.
Trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra kịch bản tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách (giảm 15,4% so với năm 2019). Trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ).
Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách (giảm 22,6% so với 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).