“Dịch hạch” và những lời cảnh báo sâu sắc

(ĐTTCO)-Lịch sử văn học thế giới từng có nhiều tác phẩm viết về dịch bệnh, như “Wolf Hall-Đại sảnh sói” của Hilary Mantel, “A Journal of the plague year- Nhật ký về năm xảy ra đại dịch” của Daniel Defoe. Thế nhưng, lừng lẫy nhất vẫn là “Dịch hạch” (có bản in đầu tiên bằng tiếng Pháp là “La peste”) của Albert Camus.
Nhà văn Albert Camus
Nhà văn Albert Camus
Nhà văn Albert Camus sinh ngày 7/11/1913 và mất ngày 4/1/1960. Thời trai trẻ, Albert Camus từng là một cầu thủ bóng đá, khoác áo đội tuyển quốc gia Algeria. Năm 1957, Albert Camus được trao giải thưởng Nobel văn học. Tiểu thuyết “Dịch hạch” được Albert Camus viết vào năm 1946.  
Trước khi được thừa nhận tài năng “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”, Albert Camus có vị trí xã hội như một nhà triết học hiện sinh. Tiểu thuyết “Người xa lạ” và tiểu luận triết học “Huyền thoại Sisyphus” được xem là tiền đề của tiểu thuyết “Dịch hạch”. Qua ngòi bút của Albert Camus, người ta thường hình dung về một thế giới mất nghĩa, được tạo ra từ vô vàn sự ngẫu nhiên và che đậy dưới một lớp màng phi lí. Chính Albert Camus cũng tuyên bố rằng, tất cả những cố gắng đeo đuổi để tìm một ý nghĩa cho cuộc đời này sẽ luôn chỉ nhận lại một sự im lặng.
Tiểu thuyết “Dịch hạch” của Albert Camus xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1989, qua bản dịch của Nguyễn Trọng Định. “Dịch hạch” kể về một nhóm những người đàn ông tập trung lại để cùng nhau chống lại dịch bệnh. Trong tiểu thuyết, độc giả bắt gặp lòng can đảm, nỗi sợ hãi và cả những tính toán, đắn đo mà ta có thể đã đọc hoặc nghe trong tất cả những tin tức hàng ngày.
Bối cảnh của “Dịch hạch” là thánh phố biển Oran. Sáng ngày 16 tháng 4 của một năm trong thập niên 1940, bác sĩ Rieux từ trong phòng ra ngoài cầu thang thì đá phải một xác con chuột chết; ngay chiều hôm đó đi về thì gặp một con chuột khác cũng đang giãy chết. Lúc đầu người ta tưởng đó là trò nghịch ngợm của bọn trẻ, nhưng số lượng chuột chết mỗi ngày cứ tăng dần, dân cư thành phố lo sợ. Các bệnh nhân đầu tiên được đưa vào bệnh viện rồi xuất hiện những người chết đầu tiên. Bệnh dịch hạch bắt đầu lan tràn. Qua nhiều cuộc tranh cãi, cuối cùng chính quyền công nhận thành phố bị dịch hạch và quyết định đóng cửa thành phố để bệnh khỏi lây lan, gây nên nhiều xáo trộn cuộc sống với nhiều gia đình ly tán. Song dân chúng Oran cũng dần quen với thảm họa sau những hốt hoảng đầu tiên. Nhịp sống dần trở lại bình thường mặc những cảnh chết chóc, đốt xác chết, chôn người chết diễn ra hết sức phổ biến và ghê rợn.
Bác sĩ Rieux là nhân vật trung tâm của “Dịch hạch”. Ông cùng với bạn bè và đồng nghiệp lao vào cuộc chiến đấu với bệnh dịch để cứu thành phố Oran. Rieux có suy nghĩ đơn giản, rõ ràng nhưng quyết liệt: "nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch", "sức lực tôi đến đâu thì tôi bảo vệ họ đến đó...". Những lời nói và hành động của Rieux đã thuyết phục được nhiều người, như nhà báo Rambert hay linh mục Paneloux. Bản thân Rieux, chính trong thời gian dịch hạch vợ ông ốm đau phải đi điều dưỡng và khi bà chết Rieux cũng không được gặp.
Ngoài bác sĩ Rieux, tiểu thuyết “Dịch hạch” còn có bốn nhân vật đáng chú ý: Jean Tarrou, Raymond Rambert, Paneloux và Joseph Grand. Còn nhân vật phụ không kém sinh động của “Dịch hạch” là Cottard, một kẻ cơ hội, tìm cách kiếm lợi nhờ tai ương của đồng loại. 
Nhân vật Jean Tarrou là một trí thức xuất thân danh giá, nhưng chán ghét cuộc sống của chính mình. Tarrou giã từ cuộc đời nhung lụa sau một lần chứng kiến cha mình - một chưởng lý - buộc tội hành hình một bị cáo. Anh lưu lạc qua nhiều nước, tham gia vào nhiều cuộc chiến đấu. Tarrou xuất hiện ở Oran một cách bí ẩn, luôn ghi chép những sự kiện của thành phố vào cuốn sổ tay của mình. Là người đáng lẽ đứng ngoài cuộc, nhưng anh đã tình nguyện cùng Rieux chống lại bệnh dịch.
Nhân vật Raymond Rambert là phóng viên của một tờ báo ở Paris đến Oran điều tra về cuộc sống ở đây. Dịch hạch làm anh kẹt lại thành phố, không thể trở về với người yêu. Ban đầu Rambert luôn cho mình là kẻ ngoài cuộc, anh tìm mọi cách để thoát khỏi Oran. Nhưng chính khi có cơ hội thì anh quyết định ở lại. Những hành động của Rieux và Tarrou đã thuyết phục Rambert.
Nhân vật Paneloux là một đại diện của nhà thờ. Ban đầu ông coi bệnh dịch là sự trừng phạt của Chúa, và những con chiên phải yên lòng đón nhận. Nhưng cuối cùng ông đã bị thuyết phục bởi Rieux, và nhất là sau khi chứng kiến cái chết của con trai ngài dự thẩm Othon. Trong buổi cầu kinh thứ hai, cha Paneloux đã kêu gọi: "Hỡi những người anh em, chúng ta phải là những người ở lại." Bản thân ông cũng tự nguyện tham gia vào đội cứu chữa.
Còn nhân vật Joseph Grand là nhân viên ở tòa thị chính. Anh ta có mơ ước trở thành nhà văn, thường sửa đi sửa lại một câu văn của mình. Joseph Grand cũng tham gia vào đội tình nguyện để đẩy lùi bệnh dịch.
Trong đại dịch toàn cầu do virus corona gây ra, một lần nữa tiểu thuyết “Dịch hạch” lại mang lại những cảnh báo sâu sắc. Đối phó với Covid-19, bạn đọc không khó để thấy rằng nhà văn Albert Camus đã dùng sự quan sát và sự tưởng tượng của mình mà mô tả nên một không gian đầy bất trắc luôn đe dọa con người. 
Các nhà phê bình phương Tây đánh giá: Ngày nay, “Dịch hạch” có thể kể cho chúng ta nghe câu chuyện về bất cứ kiểu dịch bệnh nào, từ sự “quá liều”, thậm chí phá hoại của những kẻ theo chủ nghĩa vật chất cho đến tốc độ bành trướng chóng mặt của chủ nghĩa tư bản. Và “Dịch hạch” có thể trở thành hợp lý trong bất cứ một bài luận đương thời nào muốn phân tích lại nó.
Tất cả bởi một lẽ: sự phi lý. Xã hội chúng ta đang sống đầy phi lý, và tiểu thuyết của Albert Camus đã dẫn dắt mối quan hệ của chúng ta tới sự phi lý trong sự tồn tại này. Tác phẩm của Albert Camus có thể mô tả rất thuyết phục cách mà dịch bệnh sinh nở trong một xã hội mà ở đó, người ta có thể phát trên loa phóng thanh và vẽ ra một khung cảnh cực kì thảm thương về những khu vực nghèo nàn, cằn cỗi, và rồi, hàng nghìn người tình nguyện sẽ lũ lượt tới đó, trên những chiếc thuyền chết chóc và vượt qua những sa mạc địa ngục, chỉ để đi theo tiếng hô hào và những lời hứa vô nghĩa. Và cái xã hội đó thậm chí cũng đã phá hủy thứ hằng tố mà nhờ nó, Albert Camus có thể đo được sự bất tử của con người: đó là tự nhiên. Khi ruồng rẫy tự nhiên, khi tàn phá tự nhiên thì con người phải trả giá cho sự tham lam và sự ích kỷ.
Sinh thời, Albert Camus viết văn song song với nghiên cứu triết học. Khi tiểu thuyết “Dịch hạch” được chào đón nhiệt liệt khắp nơi, Albert Camus cũng không che giấu những băn khoăn cá nhân: “Mục đích của người viết văn là giữ cho nền văn minh không tự hủy diệt. Luôn luôn có lúc con người mệt mỏi bởi công việc, sự cống hiến cho bổn phận, và tất cả những gì anh ta muốn là gương mặt mình yêu, sự ấm áp và điều kỳ diệu của một trái tim yêu thương. Chúng ta phải làm thế nào để không lãng phí thời gian? Rất đơn giản, bằng cách lúc nào cũng ý thức về điều đó. Những điều có thể làm để lãng phí: Chờ đợi cả ngày bồn chồn trên ghế trong phòng đợi của nha sĩ, đứng trên ban công cả chiều chủ nhật, nghe bài giảng bằng ngôn ngữ mình không hiểu, đi bằng đường tàu xa nhất và ít thuận tiện nhất, và dĩ nhiên đứng cả buổi xếp hàng trước quầy vé rạp hát và rồi không mua vé… Và cứ như vậy, chúng ta đánh mất cuộc sống mình theo cách nhàm chán nhất và tẻ nhạt nhất!”.

Các tin khác