Diễn đàn góp ý cho quy hoạch chung TPHCM trên Báo SGGP: Giữ “hồn cốt” Sài Gòn - TPHCM

(ĐTTCO) - Ngày 11-1, Sở QH-KT TPHCM cùng Báo SGGP tổ chức tổng kết Diễn đàn góp ý cho quy hoạch chung TPHCM trên Báo SGGP và chấm giải cuộc thi bình chọn “Ý tưởng quy hoạch chung TPHCM” đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Nhiều ý tưởng tâm huyết, sáng tạo

Thời gian tổ chức diễn đàn không nhiều (từ 20-10 đến hết tháng 12-2021) nhưng nhiều bài viết của bạn đọc gửi về Báo SGGP góp ý cho quy hoạch chung TPHCM đầy nhiệt huyết, xác đáng.

Các ý kiến góp ý đề cập đến hầu hết ngõ ngách của đô thị TPHCM, từ tổ chức không gian đô thị, tới phát huy lợi thế của thành phố, giải quyết các vấn đề về kẹt xe, ngập nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị, giữ gìn bản sắc của một thành phố vốn dĩ là nơi hội tụ của nhiều tôn giáo, truyền thống văn hóa… Có tác giả đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình tham gia, do không quen đánh máy nên cặm cụi viết tay trên hàng chục trang giấy, trình bày các ý tưởng của mình.

Đô thị TPHCM ngày càng phát triển. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đô thị TPHCM ngày càng phát triển. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Điều thú vị là số lượng các ý kiến đóng góp cho việc giữ gìn bản sắc thành phố khá nhiều. Bạn đọc Trần Văn Trãi (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) viết: “Trải qua nhiều tên gọi, từ phủ Gia Định đến Sài Gòn, TPHCM, đã đón nhận hàng triệu người từ các vùng miền khác nhau, kể cả người nước ngoài, góp phần làm nên một thành phố đông đúc trong sự đa dạng ngày nay. Mỗi thế hệ đều để lại những dấu ấn văn hóa. Bằng chứng sống còn đó, người thật việc thật. Có cả cộng đồng người Hoa ở quận 5, quận 6, quận 11; cộng đồng người Chăm ở quận 3, quận 8; người Khmer ở quận 11, Tân Bình…; cùng với đó, có hầu hết các kiểu kiến trúc xây dựng, nhà ở từ khắp mọi miền trong và ngoài nước…”. Đó là những cơ sở mà theo tác giả Trần Văn Trãi, góp phần để thành phố nâng tầm quốc tế trong hội nhập và lồng ghép phát triển đô thị theo hướng hiện đại.

Đề cập đến nét đặc trưng của Sài Gòn - TPHCM, bạn đọc Trần Văn Trường đề xuất: “Ý tưởng quy hoạch chung TPHCM nên chăng xây dựng phát triển đô thị theo hướng gìn giữ bảo vệ và khai thác sông Sài Gòn. Tính độc đáo của nó là tận dụng được điều kiện tự nhiên, không gian sông nước để phát triển hài hòa và bền vững. Quy hoạch theo hướng hội tụ những gì thuộc về quá khứ, hiện tại, tương lai cùng với thiên thời, địa lợi để TPHCM làm nên kỳ tích sông Sài Gòn”.

Bạn đọc Trần Văn Trường lý giải: “Hai bên bờ sông có dải đất rộng lớn ở các vị trí “trắc địa”, rất thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan, giải quyết giao thông và thoát nước… Ngoài ra, có thể tạo ra những phân khu chức năng và phục vụ cộng đồng, khai thác du lịch… Quy hoạch hướng thành phố quay mặt vào sông Sài Gòn để nhận làn gió thổi mát, tạo không gian thông thoáng cho khu trung tâm đã chật chội và ngột ngạt”.

Quy hoạch thành phố đáng sống

Nhìn về tương lai, các góp ý đều tập trung kiến nghị “phải quy hoạch TPHCM là thành phố đáng sống”. Bạn đọc Chung Thanh Huy (quận 7, TPHCM) viết: “Mục tiêu cao nhất để TPHCM phát triển phải nhằm đảm bảo chất lượng sống cho toàn thể người dân, tăng cường khả năng cạnh tranh và mức độ thu hút đầu tư của thành phố. Giữa những bất thường từ dịch bệnh, thiên tai vừa qua, ai cũng hiểu rằng, phát triển bền vững không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc.

Bởi lẽ, phát triển đô thị không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn là khởi tạo môi trường đáng sống để thu hút nguồn nhân lực và duy trì tính bền vững của cả cộng đồng. Thành phố đáng sống phải là nơi mà mỗi cá nhân đều có thể tìm thấy cho mình một không gian, môi trường sống thích hợp. Đô thị đó cần hấp dẫn, thú vị, an toàn cho những người thuộc các độ tuổi khác nhau…”.

Diễn đàn góp ý cho quy hoạch chung TPHCM trên Báo SGGP: Giữ “hồn cốt” Sài Gòn - TPHCM ảnh 1Cảnh quan Bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bạn đọc Đỗ Ngô Trần (TP Thủ Đức, TPHCM) góp ý giải pháp thực hiện: “Điều chỉnh quy hoạch chung là cơ hội để sắp xếp lại hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển. Nên chăng có sự phân bố giãn dân cư ở nội thành, nơi vốn quá tải dân số bằng cách đầu tư nhiều cho ngoại thành. Cần có cơ chế giảm thuế, tiền sử dụng đất và các ưu đãi khuyến khích đầu tư ở những nơi đã được quy hoạch là đô thị vệ tinh như: khu đô thị Tây Bắc và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Ngoài ra, nên giữ lại một phần lớn diện tích đất chưa xây dựng, hoặc đất nông nghiệp xung quanh các quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và TP Thủ Đức… Điều này vừa giúp kiểm soát sự phát triển đô thị tràn lan, vừa bảo vệ đô thị trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”.

Phát triển “đô thị sinh thái” hay “đô thị xanh” là những cụm từ đang trở nên phổ biến tại các diễn đàn về phát triển đô thị hiện nay. Sản xuất nông nghiệp đô thị một mặt vừa đảm bảo các nhu cầu về dinh dưỡng, mặt khác nó cũng chính là một hình thức lao động, giải trí góp phần nâng cao thể lực, trí lực cho cư dân đô thị. Các bất cập như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… cũng là những vấn đề mà nhiều bạn đọc góp ý, cần phải giải quyết cho được trong việc điều chỉnh quy hoạch TPHCM.

Giữ gìn và phát triển nông nghiệp đô thị cũng là một trong những giải pháp mà nhiều bạn đọc cho là cần thiết để TPHCM phát triển bền vững. Theo đó, hoạt động nông nghiệp có thể mang lại “nguồn sống xanh”, đảm bảo sự cân bằng sinh thái, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại nhiều ích lợi khác cho thành phố. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như cung cấp cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, an dưỡng…

Trân trọng các ý kiến đóng góp

Tại lễ tổng kết, Phó Tổng biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường nhận định, TPHCM đang xây dựng đô thị thông minh, vì vậy những vấn đề liên quan đến quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Với vai trò là báo của Đảng bộ TPHCM và tiếng nói của chính quyền, nhân dân TPHCM, Báo SGGP đã dành nhiều diện tích trên mặt báo nhằm chuyển tải các vấn đề về quy hoạch đang rất được người dân quan tâm.

Trong quá trình tổ chức diễn đàn góp ý cho ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, Báo SGGP đã nhận được hơn 20 bài viết của nhiều bạn đọc, từ các chuyên gia, doanh nhân..., hay các bác về hưu. Tất cả đều là những ý kiến rất đáng trân trọng. Sau diễn đàn, Báo SGGP vẫn tiếp tục tiếp nhận ý kiến đóng góp của bạn đọc cho nội dung này. Tất cả vì trách nhiệm và tình yêu với TPHCM.


Cập nhật ý tưởng khả thi vào đồ án

Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã cho biết, sở sẽ cập nhật những ý tưởng hay, có tính khả thi cao vào đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch trong quá trình triển khai. Sở QH-KT sẽ nghiên cứu, nêu các ý tưởng hay, độc đáo khi làm việc với các đơn vị tư vấn thực hiện lập đồ án quy hoạch. Mục đích lớn nhất là giúp TPHCM có một đồ án điều chỉnh quy hoạch tốt và khả thi nhất. Qua đó, giúp phát triển thành phố không chỉ ở tầm quốc gia mà ngang tầm khu vực về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo Sở QH-KT, là một trong những thành phố lớn và có mật độ dân số cao của Việt Nam với 9,038 triệu dân, TPHCM phát triển định hướng đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; mục tiêu trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10-2010. Trong thời gian qua, đồ án này là định hướng quan trọng để thành phố xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư, xây dựng và phát triển một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bước đầu đã thu được một số kết quả cơ bản.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện và qua kết quả rà soát đánh giá quy hoạch, đồ án quy hoạch chung TPHCM năm 2010 bộc lộ một số bất cập, vì vậy cần được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển. Đến nay, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9-2021. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, được sự chấp thuận của UBND TPHCM, Báo SGGP và Sở QH-KT đã mở diễn đàn góp ý cho ý tưởng quy hoạch chung TPHCM.

Các tin khác