Điều khá ngạc nhiên đó là trái ngược với xu thế tăng trưởng kinh tế vĩ mô, khi GDP Việt Nam tăng mạnh nhất trong gần 10 năm trở lại với mức tăng 9 tháng 6,98%. Vì sao môi trường kinh tế hấp dẫn lại không khiến nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) giao dịch tích cực trên thị trường mà lại đẩy mạnh bán ròng? Các cổ phiếu khối ngoại bán tập trung chủ yếu cổ phiếu lớn, blue chip đầu ngành như VRE, HPG, VNM, VCB, GAS…
NĐTNN thận trọng hơn
NĐTNN thận trọng hơn
Kinh tế vĩ mô Việt Nam khá ổn định, GDP tăng mạnh, CPI duy trì ở mức thấp, lạm phát ở mức thấp khoảng 2,5% trong 9 tháng; FDI tiếp tục vào mạnh, nhất là FDI góp vốn mua cổ phần; xuất khẩu tăng đột biến trong tháng 8 và 9 giúp xuất siêu lũy kế đạt mức cao. Trong khi dó đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã suy giảm. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2019. Số liệu sản xuất công nghiệp 9 tháng của Mỹ, khu vực châu Âu (Đức, Pháp), Nhật, Trung Quốc đều suy giảm.
Phải chăng NĐTNN có lý do lo sợ về tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới, nỗi lo suy thoái chưa bao giờ lại gia tăng mạnh như hiện nay, nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn đang leo thang và chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết, cũng như quan hệ thương mại Mỹ - châu Âu đang có dấu hiệu rạn nứt.
Như vậy, việc điều chỉnh danh mục cổ phiếu khi tham gia vào các thị trường mới nổi, thị trường cận biên như Việt Nam, các NĐT đã cân nhắc về triển vọng kinh tế thế giới, đánh giá tác động của nó đến Việt Nam, chưa kể ảnh hưởng biến động của tỷ giá cũng đã khiến NĐTNN thận trọng khi giao dịch trên TTCK Việt Nam. Do vậy việc các quỹ đầu tư, NĐT cá nhân và tổ chức nước ngoài bán mạnh cổ phiếu trong các tháng gần đây cũng là điều dễ hiểu.
Quá trình tái cơ cấu danh mục
Nguyên nhân thứ hai để giải thích động thái bán ròng của khối ngoại vừa qua cũng có thể được giải thích bởi việc tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư, các quỹ phòng hộ và ngay cả các quỹ giao dịch theo chỉ số ETFs. Do vậy việc mua bán của NĐTNN trong giai đoạn vừa qua phần nào liên quan tới việc tái cấu trúc lại danh mục, hơn là do bi quan về các yếu tố cơ bản.
7/13 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ở mức tốt. Dòng vốn FDI ước tính trong 9 tháng vượt mốc 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế vẫn thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp vào Việt Nam.
Song đối với nhiều quỹ đầu tư, việc cơ cấu danh mục cần thực hiện định kỳ, cũng như các quỹ đầu tư và NĐT chuyên nghiệp có điều chỉnh tỷ trọng phân bổ giữa các mã cổ phiếu trong danh mục. Nếu triển vọng các cổ phiếu trong danh mục không tốt hoặc không tăng trưởng như dự báo, các NĐTNN cũng có thể cân nhắc bán ra và giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Chiến lược đầu tư thay đổi
Chiến lược đầu tư thay đổi
Một số quỹ theo đuổi trường phái đầu tư giá trị hoặc theo chiến lược đầu tư tăng trưởng cũng sẽ thay đổi chiến lược giao dịch bằng việc bán ra ở những cổ phiếu lớn hàng đầu các nhóm ngành giá trị hoặc những cổ phiếu lớn nhóm cổ phiếu chu kỳ và chuyển sang các cổ phiếu lớn nhóm tăng trưởng hoặc các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Theo số liệu thống kê của Fiinpro về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên 3 sàn HSX, HNX và UPCoM, cho thấy top các cổ phiếu thuộc nhóm ngành công nghệ - viễn thông, nhóm ngành bất động sản, bảo hiểm và đặc biệt là các ngân hàng đều có kết quả kinh doanh tốt trong 9 tháng năm 2019.
Việc dòng tiền có thể rút ra từ các nhóm ngành này chuyển sang các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành được đánh giá triển vọng hơn, hoặc rút ra từ các cổ phiếu lớn để dịch chuyển sang các cổ phiếu lớn khác, hoặc các cổ phiếu vừa và nhỏ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Lấy thí dụ giao dịch mua bán của khối ngoại mua ròng trong tháng 9: VJC (263,3 tỷ đồng), QNS (159,42 tỷ đồng), BID (83,57 tỷ đồng)… nhưng lại bán mạnh ra VRE (- 440,46 tỷ đồng), VIC (-215,46 tỷ đồng), VHM (-178,78 tỷ đồng)… Rõ ràng giữa các nhóm ngành tăng trưởng như hàng không, công nghệ, ngân hàng được khối ngoại quan tâm và ưu tiên mua trong khi lại bán ra các nhóm cổ phiếu bất động sản.
Ngoài ra chúng ta có thể lưu ý việc nhiều NĐT cá nhân cũng như tổ chức chuyên nghiệp nước ngoài đã tham gia giải ngân ở vùng đỉnh thị trường giai đoạn quý I-2018. Tất nhiên việc bán ròng mạnh của khối ngoại trong hiện tại cũng chỉ mang tính thời điểm. Nếu quý II, quý III khối ngoại bán nhiều hơn mua thì quý IV vẫn sẽ hứa hẹn môi trường kinh tế khởi sắc hơn, NĐTNN quay lại xu hướng mua ròng.
Và khi VN Index được dự báo có thể chạm mốc 1.100 điểm trong giai đoạn cuối năm, rất nhiều khả năng khối ngoại sẽ mua vào các cổ phiếu lớn mạnh thuộc nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, công nghệ, hoặc thậm chí dầu khí và giai đoạn bán ròng sẽ sớm chấm dứt để chuyển sang giai đoạn mua ròng khi TTCK 2020 có thể tốt hơn năm 2019.