Đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã đồng ý triển khai việc cho thuê vỉa hè, sau khi quận Hoàn Kiếm thực hiện thí điểm cho 3 đơn vị thuê trong 6 tháng cuối năm 2021. Cả 3 đơn vị này thuê vỉa hè để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh. Bắt đầu từ 2022, các quận trung tâm được tiếp tục mở rộng địa điểm cho thuê với giá 45.000 đồng/m2/tháng, hợp đồng có thời hạn 6 tháng, tiền thu được các quận nộp vào ngân sách TP theo luật phí và lệ phí.
Với TPHCM, chủ trương cho thuê vỉa hè được sở GTVT đề xuất từ năm 2007, mức thu theo khu vực tính theo từng tháng. Chẳng hạn tại quận 1 là 100.000 đồng/m2/tháng, quận 3 là 80.000 đồng, quận 4 và Bình Thạnh 30.000 đồng, quận 5 là 50.000 đồng, quận 6 và Tân Bình 25.000 đồng, quận 10 là 45.000 đồng, quận 11 là 35.000 đồng, quận Phú Nhuận 40.000 đồng. Tờ trình được HĐND TP đồng ý về chủ trương, nhưng chưa biểu quyết thông qua vì còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, chủ yếu về mặt kỹ thuật như giá thuê, phân chia không gian vỉa hè, quản lý, phân chia và sử dụng nguồn thu, nên đề xuất này tạm thời gác lại.
Tuy nhiên, việc cho thuê vỉa hè cả ở 2 TP lớn này đã nhận được ý kiến trái chiều của chuyên gia và người dân. Nhóm thứ nhất cho rằng vỉa hè là không gian công cộng, chủ thể sở hữu nó là người dân, không phải là công sản nên cơ quan công quyền không có quyền mang cho thuê. Hơn nữa, vỉa hè dành cho người đi bộ không để kinh doanh, nếu cho thuê không quản được sẽ đẩy người bộ hành xuống lòng đường.
Nhóm thứ hai đồng ý cho thuê nhưng không đồng thuận về giá. Người dân Hà Nội cho rằng 45.000 đồng/m2 quá rẻ so với vùng lõi nơi mỗi tấc đất tính bằng vàng. Trong khi người dân TPHCM nói 100.000 đồng/m2 là quá đắt.
Nhóm thứ ba là những hộ kinh doanh không muốn nói đến chuyện này, vì từ trước tới nay việc lấn chiếm vỉa hè buôn bán, trưng bày hàng hóa, để xe được coi là đương nhiên, phần vỉa hè phía trước nhà ngầm hiểu là họ có quyền sử dụng. Sau khi Hà Nội công bố việc thuê vỉa hè, tại TPHCM vấn đề này được khơi lại và rục rịch chuẩn bị trình lên các cấp có thẩm quyền, nhất là chủ trương cho các TP lớn được thu phí và lệ phí nhằm tăng nguồn thu.
Sử dụng vỉa hè là việc lớn, tác động đến đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người và du khách. Do vậy, chúng ta cần nhìn ra bên ngoài tham khảo ý kiến của nước láng giềng. Ở Bangkok (Thái Lan) và Singapore, việc thu phí sử dụng vỉa hè của người có nhu cầu sử dụng đã triển khai nhiều chục năm nay. Quan điểm về thu phí của họ rất rõ ràng: vỉa hè hay lòng đường là không gian công cộng, công ty hay người dân khai thác sử dụng sinh lời phải trả tiền, không có chuyện sử dụng miễn phí. Số tiền đó được đưa vào công quỹ với mục đích duy tu, bảo trì vỉa hè, đường sá và cảnh quan, môi trường. Việc thu phí vỉa hè phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch, không đổ đầu ngang bằng như nhau.
Chẳng hạn Singapore và Bangkok thu phí vỉa hè cao hay thấp tùy thuộc vào 4 điều kiện: vị trí, mức doanh thu thực tế, diện tích mặt bằng sử dụng, khoảng thời gian chiếm dụng. Nếu cửa hàng ở khu vực kinh doanh sầm uất, trục đường thương mại, phố cổ, khu kinh doanh sầm uất (như Orchard ở Singapore, Pathumwan ở Bangkok) giá thuê vỉa hè rất cao. Thí dụ, giá thuê sử dụng vỉa hè trước mặt tòa nhà ở khu phố cổ Khaosan phải trả 30.000 Baht/tháng, tương đương 20 triệu đồng. Những tòa nhà thương mại sử dụng mặt bằng vỉa hè trong nhiều thời gian cho xe, hàng hóa ra vào phải trả thêm mỗi tháng 10.000-12.000 Bath nữa. Hay khoảng 2m2 trên vỉa hè ở khu vực trung tâm, người bán hàng (thường là 1 xe đẩy tay) phải trả 3.500 Bath/tháng, tương đương 2,3 triệu đồng.
Đặc biệt, giá cho thuê vỉa hè không chỉ định theo m2, bởi sẽ đưa đến tình trạng không công bằng giữa nhà kinh doanh tốt và nhà kinh doanh không hiệu quả. Họ căn cứ theo tình hình doanh thu mỗi 6 tháng, có nghĩa ai có doanh thu cao, sử dụng mặt bằng lớn, chiếm dụng lâu phải đóng cao hơn cho dù không ở khu vực trung tâm. Loại phí này do chính quyền thu trực tiếp hay gián tiếp qua mạng, thí dụ do cơ quan thuế của các quận thu hàng tháng tại chỗ và xuất hóa đơn tài chính. Tuy nhiên, ngoài việc trả tiền cho chính quyền, ở một vài nơi những người bán hàng rong, chủ cửa hàng sát mặt đường phải trả tiền không chính thức cho nhóm người bảo kê…
Mặc dù việc cho thuê vỉa hè được thực hiện từ lâu nhưng vẫn còn có những chuyện chưa thật ổn thỏa. Đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của người thuê vỉa hè và người cho thuê là chính quyền TP, quận hoặc sở chuyên môn (giao thông, tài nguyên môi trường, địa chính). Về phía chính quyền muốn người thuê đoạn vỉa hè để kinh doanh phải có trách nhiệm bảo vệ cây xanh trên phần vỉa hè và cửa xả của cống thoát nước (nếu có), cũng như giữ vệ sinh sạch sẽ và sửa chữa nhỏ khi vỉa hè hư hỏng. Song rắc rối ở chỗ, chính quyền yêu cầu người thuê vỉa hè cam kết cây xanh không bị hủy hoại, vỉa hè luôn sạch, ít hư hỏng. Trong khi đó, phía thuê lại không muốn, cho rằng chính quyền thu tiền thuê rồi, trách nhiệm bảo trì vỉa hè, vệ sinh, cây xanh, thông cống là thuộc chính quyền.
Từ những kinh nghiệm đi trước của Singapore và Bangkok, việc TPHCM tính phương án cho thuê vỉa hè là điều nên làm. Nhưng cho thuê ở những nơi nào, giá cả ra sao, cách thu sao cho công bằng, minh bạch, số tiền thu được sử dụng sao đúng mục đích, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên ra sao… cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, lấy ý kiến của chuyên gia, người sử dụng, thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm. Nếu không cẩn thận lại đưa đến tình trạng chết yểu hoặc biến tướng. Điều quan trọng nhất, vỉa hè cho thuê nhưng không làm cản trở người bộ hành, nếu người bộ hành phải xuống lòng đường, coi như chính sách thất bại.