Xung quanh đề xuất này, TS. TRẦN DU LỊCH, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết: TPHCM đề xuất như vậy bởi số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao qua các năm và chiếm hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng ngân sách TPHCM được hưởng không tăng tương ứng. Tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết chỉ chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng chi cả nước. Thực tế, số thu ngân sách TPHCM được hưởng ngày càng giảm. Năm 2003, tỷ lệ điều tiết là 33%, nhưng đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, tỷ lệ này chỉ còn 18%.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thu ngân sách TPHCM liên tục tăng cao trong các năm qua nhưng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ Trung ương lại giảm. Điều này có nghịch lý hay không?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Từ sau khi có Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị năm 2002 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010, tỷ lệ ngân sách được giữ lại là 33% năm 2003. Nhưng từ 2003 đến các năm tiếp theo, Luật Ngân sách có một số thay đổi nên tỷ lệ điều tiết có khác một chút. Từ mức 33% của năm 2003 giảm dần xuống 29%, 26%, 23% và cuối cùng là 18% hiện nay.
Với lộ trình giữ lại ngày càng giảm trong điều kiện nguồn thu ngân sách của TPHCM đóng góp vào ngân sách chung ngày càng lớn (đã có thời điểm lên đến trên 30% ngân sách quốc gia), khiến cho nguồn đầu tư của TP luôn luôn bất cập. Bởi để có nguồn thu lớn đóng góp vào ngân sách, đòi hỏi TP phải có đầu tư tương ứng, nhất là về cơ sở hạ tầng, giao thông, các công trình để nâng cao phúc lợi người dân.
Dĩ nhiên Trung ương có hỗ trợ bằng cách cho TPHCM vay lại các nguồn ODA. Thí dụ như chương trình đại lộ Đông Tây, chương trình môi trường nước Nhiêu Lộc-Thị Nghè, dự án Metro… và cũng cho TP được phát hành trái phiếu, nhất là từ khi có Nghị định 93 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM năm 2001.
Tuy nhiên, nhìn chung mức điều tiết như vậy rõ ràng không đáp ứng được, không tạo được động lực và đặc biệt quan trọng là khó nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho TP và cho ngân sách quốc gia. Tôi cho rằng đây là vấn đề phải xem xét lại.
- Việc UBND TPHCM đã đề xuất xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm từng bước trong 10 năm 2020-2030 từ 18% lên 33% nhằm đảm bảo TP có đủ nguồn lực. Ý kiến của ông như thế nào về đề xuất này?
Mức điều tiết như vậy rõ ràng không đáp ứng được, không tạo được động lực và đặc biệt quan trọng là khó nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho TP và cho ngân sách quốc gia. |
Đồng thời bên cạnh tăng mức điều tiết này, cần phải cho TP chủ động hơn vấn đề tạo nguồn thu, kể cả xem xét lại mức khống chế về việc tổng số trái phiếu nợ mà chính quyền TP được vay.
Có ý kiến cho rằng ở các nước đang phát triển cơ chế thu chi ngân sách Trung ương-địa phương không như Việt Nam. Theo tôi, vấn đề ngân sách hiện nay tỷ lệ điều tiết của Trung ương đối với TPHCM không thể so sánh với bất cứ nước nào, vì thể chế ngân sách Việt Nam không giống nơi nào.
Tuy nhiên, một thể chế ngân sách mà tính tự chủ của chính quyền địa phương không có, tạo ra một cơ chế xin-cho và không tạo điều kiện để địa phương chủ động tăng nguồn thu và chủ động trong vấn đề chi. Chúng ta hay nói tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của Hội đồng nhân dân.
Nhưng ở đây không có sự tách biệt ngân sách của địa phương là quyền của địa phương, và ngân sách nào là ngân sách Trung ương trợ cấp cho địa phương thuộc ngân sách quốc gia.
Tôi nói lại đây là sự tồn tại của thể chế tài chính công Việt Nam. Chính vì vậy, cách đây hơn 10 năm, TPHCM đề xuất mô hình chính quyền đô thị, trong mô hình này yếu tố đầu tiên đặt ra là phải tăng tính tự chủ, phân quyền hơn cho chính quyền địa phương về mặt ngân sách.
Ở đây có 2 khía cạnh: một là quyền có thể quyết định một số nội dung có thể tăng thu (về phí, các loại thuế…); hai là quyết định trong vấn đề chi. Vai trò quyết định của chính quyền địa phương thông qua vai trò Hội đồng nhân dân.
Đây là gốc vấn đề. Nếu không giải quyết cái gốc này, TP khó trong vấn đề tạo nguồn thu chủ động của chính quyền địa phương. Vấn đề phổ biến trên thế giới hiện nay các đô thị đều có đặc trưng là quyền tự chủ, và trong quyền tự chủ này tự chủ ngân sách quan trọng nhất.
- Ngoài đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết, theo ông TPHCM còn nguồn nào để phát triển mà chưa tận dụng hay không?
- Tôi nghĩ rằng, TPHCM và cả Trung ương nên tính toán lại việc TP đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị, trong nội dung này tăng phân cấp phân quyền, trong đó có phân cấp phân quyền về ngân sách và một số lĩnh vực công vụ. Phải giải quyết đồng bộ như vậy mới xử lý được.
Vì vậy, tôi ủng hộ đề xuất của chính quyền TP về tăng mức điều tiết, nhưng quan trọng hơn là phải tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về ngân sách cho chính quyền TP. Tự chủ ở đây theo nghĩa là trong vấn đề tăng thu, khai thác nguồn thu và quyết định trong vấn đề chi thuộc thẩm quyền của chính quyền TP.
Và dĩ nhiên trong cơ chế đó phải tăng vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân về vấn đề thu chi và tăng giám sát của Bộ Tài chính về vấn đề chấp hành các chế độ. Nói nôm na vai trò Chính phủ thay vì nặng về xin-cho thì tăng kiểm tra giám sát, chính quyền địa phương tăng tính tự chịu trách nhiệm. Đó là điều căn cơ phải làm.
- Xin cảm ơn ông.