Từ sầm uất trở nên trầm uất
Bên cạnh những lợi thế bậc nhất về vị trí địa lý thuận lợi trong giao thương bằng đường bộ, hàng không và hàng hải; cơ sở hạ tầng hiện đại và được kết nối thông suốt với các đô thị vệ tinh như Bình Dương và Đồng Nai; trình độ dân trí cao, quy tụ nhiều trí thức, chuyên gia và đội ngũ lao động chất lượng cao, có lẽ giá trị độc đáo nhất mà TPHCM có được là nền tảng của một thể chế kinh tế thị trường đã được hình thành từ rất sớm và ngày càng được bồi đắp bởi đặc tính văn hóa của người dân vùng này.
Tính cách hào sảng của những con người trưởng thành từ công cuộc khai hoang và giao thương mua bán, cộng với sự vận động đặc thù của bánh xe lịch sử đã khiến cho khu vực này có truyền thống vận hành trong một cơ chế và khuôn khổ không giống với bất cứ vùng nào trong cả nước.
Chính những giá trị văn hóa và điều kiện thuận lợi đó, đã khiến cho tất cả mọi người dù cho xuất thân từ một miền quê nào cũng đều tìm thấy một cơ hội ở TPHCM và TP cũng không từ chối bất cứ ai.
Nhưng cũng vì đặc tính “đất lành chim đậu” đó đã khiến cho TPHCM phải đối diện với một áp lực di dân khủng khiếp. Hệ quả là mức độ tăng dân số cơ học của TP rất cao, bình quân 3,5% mỗi năm và hiện có khoảng trên 9 triệu dân, với mật độ dân số cao gấp 13 lần mật độ trung bình của cả nước.
Bình quân một năm TP tăng 208.000 người, gần bằng số dân một quận trung bình. Dân số tăng nhanh đã gây ra tình trạng quá tải đối với hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Những dấu hiệu của một đô thị quá tải ngày càng trở nên rõ nét với tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng, tai nạn giao thông tăng báo động, nguồn nước, rác thải và môi sinh bị đe dọa, y tế giáo dục đều quá tải...
Mặc dù được xem như trung tâm kinh tế - tài chính của cả nước, nhưng nguồn lực được phân cấp để TP chi cho đầu tư phát triển chưa tương xứng với khả năng tạo nguồn thu cũng như yêu cầu phát triển.
Trong khoảng 2 thập niên qua, dù đã tạo ra 24% tổng thu nhập quốc dân và đóng góp đến 28% ngân sách quốc gia, nhưng TP hiện nay chỉ được giữ lại 18% ngân sách để chi đầu tư cho phát triển.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã từng nói: “TPHCM đang đứng trước nghịch lý là làm ra càng nhiều thì tỷ lệ được giữ lại càng ít, không đủ để tái đầu tư phát triển”.
Những bất cập này ngày càng làm cho TPHCM tụt hậu không chỉ với các TP lớn trong khu vực, mà ngay cả đối với các tỉnh thành khác trong nước, trong khi TPHCM luôn phải gánh vác trên vai sứ mạng to lớn là đầu tàu kinh tế, nền tảng phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy mà có người đã nói vui rằng, TP đang từ sầm uất trở nên trầm uất!
Từ tình cảm thành trầm cảm
Từ tình cảm thành trầm cảm
TPHCM đang đứng trước nghịch lý là làm ra càng nhiều thì tỷ lệ được giữ lại càng ít, không đủ để tái đầu tư phát triển. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân |
Sớm nhận thấy những dấu hiệu đe dọa đến sự phát triển ổn định và bền vững, lãnh đạo TPHCM đã đề ra nhiều chương trình, giải pháp đột phá nhằm giải quyết một cách có hệ thống và gần như toàn diện các thách thức mà TP đang đối mặt từ cải cách thủ tục hành chính, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ngập nước-ô nhiễm môi trường, cho đến chỉnh trang đô thị để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như chất lượng nguồn nhân lực.
Thế nhưng, câu hỏi đầu tiên là tiền đâu để thực hiện trong hoàn cảnh mỗi năm ngân sách TP chẳng những không tăng mà còn hụt thu 10.000 tỷ đồng.
Áp lực về nguồn lực tài chính luôn là bài toán nan giải trong thời gian dài, nhưng để giải quyết khó khăn này, trước đây lãnh đạo TP đã không hề xin thêm ngân sách vì TP luôn hiểu được áp lực cân đối ngân sách trung ương cho nhiều vùng miền cả nước, rằng 1% ngân sách để lại thêm cho TP đôi khi vượt quá ngân sách của một tỉnh, địa phương khác.
Nên thay vì xin tiền, TP đã cố gắng xin cơ chế, như cách Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã từng nói: “Cái mà TPHCM cần bây giờ không phải và cũng không thể là một chiếc bánh lớn hơn, mà là một cơ chế riêng biệt”.
Lời của chủ tịch đã toát lên cái vẻ khí khái hào sảng của người dân Nam bộ, những con người vốn đã vượt lên và tồn tại qua một quá trình khai hoang khắc nghiệt để cải tạo và phát triển vùng đất “dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua”, thành một đô thị giàu có và thịnh vượng bậc nhất trời Nam. Họ không chịu chờ đợi sự giúp đỡ hay chấp nhận những gì có sẵn, họ chỉ cần một cái “gật đầu” để đảm bảo những gì họ cố gắng không bị loại bỏ.
Cái tính nhẫn nhịn chịu thương chịu khó đặc trưng của người miền Nam đã khiến nhân dân TPHCM miệt mài lao động, không ngừng “thí điểm” những ý tưởng và mô hình mới để giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, và đặc biệt là đảm bảo tỷ lệ đóng góp về ngân sách trung ương để không làm mất cân đối cán cân tài khóa quốc gia.
Nhưng người dân Nam bộ cũng có câu “già néo đứt”. Đó là áp lực của những vấn đề về hạ tầng đô thị và đầu tư phát triển đè lên đôi vai của TP ngày càng nặng. Với cơ chế phân chia ngân sách và tỷ lệ giữ lại ít ỏi của TP như hiện nay sẽ khó đáp ứng được các yêu cầu của ổn định, phát triển và đảm bảo vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thử hỏi vì sao chính quyền TP không xin ngân sách Trung ương để xây dựng tượng đài hay công viên văn hóa? Thiết nghĩ, người dân TP cũng mơ ước có những tượng đài hoành tráng, quy mô hàng ngàn tỷ đồng như những địa phương khác nhưng vẫn còn những điều cấp thiết hơn.
Người dân TP còn phải lo giữ vững khẩu hiệu của mình: “TP Hồ Chí Minh - TP nghĩa tình”. Và cũng chính vì tình nghĩa bằng tấm lòng hào sảng mà nhân dân TP hàng ngày vẫn miệt mài lao động để không chỉ nuôi sống bản thân, mà còn để “lo cho các tỉnh, các địa phương ở vùng sâu vùng xa, tuyến đầu tỉnh miền núi phía Bắc, hải đảo để giữ đất, giữ dân!” - theo như cách nói của đại diện Bộ Tài chính (Thu ngân sách liên tục tăng cao, vì sao tỷ lệ điều tiết cho TPHCM lại giảm phân nửa? - Tuổi Trẻ ngày 10-12-2019).