Định danh lại một cái tên

(ĐTTCO)-Phú Mỹ Hưng là khu đô thị (KĐT) nằm ở phía Nam TPHCM. Đây là KĐT được quy hoạch bài bản, hoành tráng, xanh, sạch, đẹp, các công trình kiến trúc ấn tượng. Năm 2008 Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng tặng danh hiệu “Khu dân cư kiểu mẫu” đầu tiên của Việt Nam. Nhưng sau 28 năm, không ai có thể tìm thấy cái tên Phú Mỹ Hưng trên bản đồ hành chính của TPHCM. 
Định danh lại một cái tên ảnh 1
Phú Mỹ Hưng vẫn chỉ là tên một dự án
Theo Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 và trong Điều 2 của Luật Chính quyền địa phương 2019, các đơn vị đô thị bao gồm thị trấn, thị xã, TP (từ loại 1-5) và TP đặc biệt, không có đơn vị hành chính nào được gọi là “đô thị”.
Đô thị thường được dùng để phân biệt với nông thôn, do vậy những nơi được gọi là “đô thị” là cách gọi không chính danh, mang ý nghĩa truyền thông và thương mại.
Ở Việt Nam hiện có đến hàng chục nơi được gọi theo kiểu như thế, chẳng hạn “Đô thị sáng tạo Hòa Lạc”, "Đô thị đại học Quốc gia”, “Đô thị Tây Bắc TPHCM”, “Đô thị Hiệp Phước”, “Đô thị Ciputra”…
Với trường hợp của Phú Mỹ Hưng, đây là tên gọi một dự án phát triển Nam Sài Gòn của Công ty PhuMyHung Asia Holdings Corporation (Đài Loan). Cha đẻ của nó là ông Đinh Thiện Lý (Lawrrence. S.Ting), mong muốn vùng đất hoang vu, phèn chua nước lợ đầy cỏ lác này trở thành vùng đất giàu có, đẹp đẽ và thịnh vương nên đặt tên là Phú Mỹ Hưng.
Từ 1993-2005, chỉ trong thời gian ngắn nó trở thành KĐT ấn tượng. Nhưng về mặt hành chính nó thuộc quyền quản lý của 2 phường Tân Phong và Tân Phú, quận 7. Điều đó có nghĩa mọi sự phát triển của nó không thể vượt qua mặt chính quyền phường và quận.
Theo thỏa thuận với Chính phủ và TPHCM, Công ty PhuMyHung Asia Holdings Corporation được quyền phát triển trên mảnh đất khu A 433ha, với thời hạn 50 năm (có gia hạn) nhưng về nguyên tắc bất cứ động thái nào chủ đầu tư phải xin phép UBND phường và quận. 
Nhận thấy nút thắt này gây khó cho nhà đầu tư, TPHCM lập ra 2 tổ chức trợ giúp phát triển là Ban Quản lý Nam Sài Gòn hỗ trợ về các thủ tục pháp lý, và Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) hỗ trợ về cơ sở hạ tầng. Nhưng cả 2 tổ chức này đều không có thực quyền, do vậy nhà đầu tư vẫn phải qua các sở, ngành, hội đồng.
Chính vì vậy, những năm sau này các dự án của Công ty Phú Mỹ Hưng không còn xuất hiện nhiều, thậm chí không thể tiếp tục triển khai dự án ở các khu B, C ,D, E trong tổng thể ban đầu 750ha.  
Định danh lại một cái tên ảnh 2 Một góc KĐT Phú Mỹ Hưng.
TP Phú Mỹ Hưng, tại sao không
Đã nhiều lần các nhà nghiên cứu và bản thân chủ đầu tư đề xuất nâng khu dân cư này trở thành thị trấn hay TP mang tên Phú Mỹ Hưng trực thuộc UBND TPHCM. Nó có bộ máy riêng như chủ tịch thị trấn, TP hay thị trưởng, việc phát triển, vận hành và quản lý sẽ tốt hơn và hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều.
Việc triển khai các dự án mới, các chính sách liên quan đến phí, thuế, hoạt động xã hội không còn phải chạy lòng vòng vừa nhiêu khê vừa mất thời gian. Đặc biệt, việc quản lý KĐT có gần 60% dân số là người nước ngoài mà giao cho phường là điều khá khó khăn. 
Cách nay ít năm, bàn đến chuyện này là khó, nhưng từ khi TP Thủ Đức ra đời tạo ra tiền lệ rất thuận lợi cho mô hình “TP trong TP”. Điều đó có nghĩa TPHCM có quyền thành lập các thị trấn, TP mới như TP Tây Bắc Củ Chi, TP Hiệp Phước, trong đó có TP Phú Mỹ Hưng. Phú Mỹ Hưng có diện tích 433ha, dân số gần 40.000 người (tương đương đô thị loại 4), nếu tính cả vùng lân cận dân số gần 100.000, đủ điều kiện thành lập TP độc lập trực thuộc TPHCM. 
Nhìn rộng ra cả nước, tình trạng gọi không chính danh những địa điểm như vậy khá nhiều, ở tỉnh thành nào cũng gặp, nhất là ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Do vậy, đã đến lúc Chính phủ cần xem xét đề xuất việc sửa đổi việc phân loại đô thị và tên gọi các đơn vị hành chính trong hệ thống đô thị. Bởi các tiêu chí phân loại đô thị ban hành năm 1990 về cơ bản giữ nguyên cho đến hiện nay đã có nhiều điểm không phù hợp với thực tế.
Nếu các khu dân cư như Phú Mỹ Hưng, Waterpoint ở Long An có diện tích 400ha (chủ đầu tư là Nam Long), Aqua City với diện tích hơn 1.000ha (chủ đầu tư Novaland) ở Đồng Nai, được công nhận là TP, việc phát triển sẽ trở nên thuận lợi hơn, không phải qua nhiều tầng nấc, chồng chéo và kéo dài nhiều năm trời. 
Cần nói thêm, ở hầu khắp các nước trên thế giới, chủ đầu tư khi mua hay thuê đất có quy mô lớn để phát triển dự án bất động sản, họ đăng ký pháp lý với chính phủ và toàn quyền phát triển dự án đó (tất nhiên phải phù hợp với luật của chính quyền trung ương và địa phương).
Họ không chỉ làm nhà ở hay đường sá như ở Việt Nam, mà phát triển từ A-Z, tức làm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường, điện, nước, thông tin liên lạc, nhà ở, công trình công cộng, cả nhà trẻ, bệnh viện, trường học, siêu thị, công viên, cây xanh, nhà thờ, chùa chiền. Nói tóm lại là khu dân cư hoàn chỉnh, sau đó đăng ký với chính quyền tên gọi của TP, tên các con đường. 
Cách làm trên khiến chủ đầu tư (có thể chính họ trở thành nhà tổ chức quản lý khu dân cư sau khi dự án hoàn thành, không phải phủi tay sau khi hết thời gian bảo trì) có trách nhiệm lâu dài, tự hào với sản phẩm của mình tạo ra và người dân gắn bó bền vững với khu dân cư.
Chính quyền cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư, còn chủ đầu tư cấp phép cho nhà ở riêng lẻ. Lúc này mọi chuyện diễn ra giữa chủ đầu tư và người dân trên tinh thần cộng sinh. Nhà nước chỉ quản lý bằng pháp luật, bởi Nhà nước không thể, không nên và không đủ sức can dự sâu vào từng khu dân cư. 
Các TP vừa và nhỏ này đang trở thành xu hướng phát triển rất mạnh mẽ ở châu Âu. Nếu làm được như thế, các đô thị của Việt Nam sẽ mang sắc diện và chất lượng phát triển mới. Khi đến Việt Nam năm 1988, cố doanh nhân Đinh Thiện Lý cũng từng ấp ủ một TP như thế. Nhưng kiểu phát triển như thế cho đến nay, chỉ thành công ở những nước có sỡ hữu tư nhân về đất đai. 
Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu Nam Sài Gòn với diện tích 2.975ha, nằm trên địa bàn quận 7, 8 và huyện Bình Chánh, với dân số dự tính 300.000 người. Thế nhưng đến nay mới triển khai xây dựng được 52% diện tích, 38 dự án bị treo với tổng diện tích bị thu hồi 408 ha. Nhiều chủ đầu tư đã tháo chạy khỏi khu Nam Sài Gòn do hạn chế về năng lực, thiếu vốn, nhưng quan trọng nhất do sự “lùng nhùng” trong cơ chế, khiến họ rơi vào “thiên la địa võng”. UBND TPHCM đã nhiều lần chỉ đạo gỡ vướng cho các doanh nghiệp, nhưng sự chuyển biến rất chậm.
Ông Phạm Văn Toàn, Phó trưởng Ban quản lý khu Nam đã đề xuất thành lập tổ chức mới có đầy đủ quyền lực thay mặt UBND TP giải quyết các khúc mắc ở Nam Sài Gòn. Nhưng “siêu sở” này là cơ quan có quyền ra quyết định cuối cùng, hay chỉ đóng vai trò tham mưu, tập hợp thông tin trình báo cấp trên, cho đến nay vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Theo nhiều chuyên gia, TPHCM cần tính đến việc thành lập TP Phú Mỹ Hưng với diện tích 2.975ha (gấp 4 lần Thủ Thiêm), dân số 300.000-350.000 người, với vùng lõi là đô thị Phú Mỹ Hưng hiện tại (khu A 433ha). Trong tương lai không xa thành lập các TP Tây Bắc (6.000ha), Hiệp Phước (4.000ha)… hình thành mạng lưới “TP trong TP” như ở các vùng đô thị trên thế giới.

Các tin khác