Định giá đất gặp khó tại nhiều địa phương

(ĐTTCO)-Theo lãnh đạo Vụ Đất đai, hiện nay đang có sự khác biệt về quan điểm giữa đơn vị tư vấn định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất và cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất.

Định giá đất gặp khó tại nhiều địa phương

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, góp phần khơi thông nhiều dự án bất động sản, tuy vậy cơ chế định giá đất hiện vẫn chưa được định hình rõ ràng; thậm chí nhiều địa phương vẫn chưa ban hành bảng giá đất.

Đối với đấu giá đất, giá trúng đấu giá được coi là giá đất chính thức, không cần định giá lại. Trong khi đó, đối với các dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, giá đất sẽ được xác định theo các phương pháp như so sánh, thặng dư,… nhằm hạn chế tình trạng định giá thấp gây thất thoát ngân sách.

Các phương pháp trên đồng thời cũng góp phần tạo cơ chế công khai, minh bạch hơn trong quá trình giao đất, cho thuê đất.

Để thi hành luật đảm bảo hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã nỗ lực nghiên cứu, xây dựng các nghị định, thông tư; đặc biệt là trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, nhằm giải quyết tình trạng “nợ” định giá đất từ những năm trước.

Tuy nhiên vấn đề thực thi chính sách vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tại địa phương. Hiện nay có sự khác biệt quan điểm giữa đơn vị tư vấn định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất và cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất.

Ông Bình lưu ý ở một số quốc gia, trách nhiệm định giá đất thuộc về đơn vị tư vấn và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sai sót.

"Đây là bài học cần được xem xét để nâng cao tính trách nhiệm, hiệu quả trong công tác định giá đất ở nước ta,” ông Bình nói và cho biết cơ quan quản lý đã cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến phản ánh để tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong thực tế triển khai.

Các tin khác