Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm 2018 với 74,1% thị phần. Song xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là thành tích rất ấn tượng của ngành rau quả Việt Nam.
Tuy nhiên, gần đây có nhiều thông tin cho rằng con số 3,1 tỷ USD bao gồm cả hàng tạm nhập từ Thái Lan và tái xuất qua Trung Quốc. Trước thông tin này, phía Cục bảo vệ thực vật cho biết con số 3,1 tỷ USD là không tính hàng tạm nhập tái xuất.
Phía Cục cũng khẳng định việc tạm nhập tái xuất là bình thường, DN có quyền làm như vậy khi họ thu về được lợi nhuận. Và hoạt động này cũng đã diễn ra vài năm nay, nhất là khi Thái Lan có chính sách thu hẹp sản xuất đại trà, hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mặc dù không được tính vào kim ngạch xuất khẩu và đây cũng là hoạt động không vi phạm pháp luật, nhưng câu hỏi nhiều người đặt ra là hoạt động này có gây ảnh hưởng gì đến nông dân, nông nghiệp Việt Nam hay không? Theo phân tích của một số chuyên gia, lâu dài sẽ có ảnh hưởng. Hàng trái cây Thái Lan vẫn đồng đều và có hình thức đẹp hơn trái cây Việt Nam, chính vì thế khi tạm nhập tái xuất DN vừa có lợi nhuận, lại vừa khỏe khi không phải tốn kém thời gian, công sức liên kết với nhà nông để sản xuất.
Lâu nay câu chuyện liên kết với nhà nông vẫn bị DN kêu trời, nhất là khi liên kết để sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn vì tính tuân thủ của nông dân Việt Nam còn kém, hàng hóa hay làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, trong khi đòi hỏi của đối tác lại cao. Kể cả các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đang ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn về hình thức và chất lượng sản phẩm.
Do vậy có ý kiến cho rằng, việc tạm nhập tái xuất mở rộng hơn người nông dân sẽ không còn được DN hỗ trợ, định hướng thị trường, mà chỉ còn biết phụ thuộc vào thương lái và lại bấp bênh trong cảnh được mùa mất giá. Đó là chưa muốn nói nếu Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu hàng Thái qua sân trung gian Việt Nam, rất có thể họ sẽ giảm nhập trái cây, rau củ từ Việt Nam, và như vậy chúng ta sẽ thiệt đơn, thiệt kép.
Đã đến lúc cần định hướng cho chính các DN tham gia tạm nhập tái xuất, lợi nhuận trước mắt không thể bằng một hành trình đi cùng nhau, hành trình ấy dẫu gian nan và nhiều thách thức nhưng chắc chắn sẽ thu được nhiều trái ngọt.