Nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế-xã hội 2017, Chính phủ cho rằng năm nay có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm sẽ hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý: Mặc dù đạt được kết quả đáng mừng như vậy, nhưng trước diễn biến bất thường của thời tiết, thị trường thế giới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ 2017, các bộ ngành không được chủ quan, say sưa với các thành quả đạt được, mà cần tập trung điều hành quyết liệt các giải pháp mới hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đề ra.
Tại phiên họp này, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ những yếu kém nội tại của nền kinh tế mà dư luận đang đặt ra, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết:
Ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh nhưng khu vực nông nghiệp, xây dựng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn khi còn 8.700 doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục giải thể. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong 9 tháng mới giải ngân được 55% vốn, là thấp. Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn rất chậm, chỉ mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp, thoái vốn mới đạt 11.800 tỷ đồng so với kế hoạch 60.000 tỷ đồng… Vì vậy, dù có đột phá trong tăng trưởng GDP, việc giải tỏa các “điểm nghẽn” để kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững vẫn là vấn đề lớn. Thực tế mức tăng trưởng quý III-2017 đạt 7,46% là con số đang gây nhiều tranh luận; các chuyên gia cho rằng phải làm rõ động lực đến từ đâu, mới thuyết phục được công luận và không dấy lên sự hứng khởi quá mức. Phân tích từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, về lĩnh vực xuất khẩu 9 tháng năm 2017 khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng với cấp độ vượt trội, đã đóng góp 110,8 tỷ USD; tăng 21%, chiếm đến 72% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, với 2 “đầu tàu” dẫn dắt là Samsung và thép Formosa mới đi vào hoạt động.
Cuối năm ngoái, Samsung sảy chân với sản phẩm Galaxy Note 7 khiến nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng, còn năm nay đã tăng mạnh từng quý: Quý III đạt 45,5%, quý II: 23,5%, quý I: 5,9%. Có thể nói trong 3 bệ đỡ của tăng trưởng kinh tế nước ta là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và tiêu thụ nội địa Samsung đã đóng góp lớn với cả hai! Vậy FDI có giúp vực dậy nền kinh tế Việt Nam? Mới đây, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu kết nối được giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI Việt Nam mới được hưởng lợi nhiều hơn từ việc thu hút FDI. Khi đó FDI mới thực sự đóng góp nhiều cho tăng trưởng và thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa.
Nói một cách khác, GDP tăng, xuất khẩu tăng không mang nhiều ý nghĩa và thành tích nếu sản xuất trong nước vẫn bấp bênh, kinh tế thực không đến từ nền sản xuất nội địa. Điều này phù hợp với định hướng Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Mới đây, trong cuộc làm việc của Thủ tướng với 14 lãnh đạo tập đoàn kinh tế tư nhân, các số liệu được đưa ra, cho thấy với mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực tư nhân tạo ra doanh thu gấp 3 lần so với doanh nghiệp nhà nước; từ năm 2010 kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP so với khu vực kinh tế nhà nước chỉ 28,9%. Vì vậy, có thể nói chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới nằm ở khu vực kinh tế tư nhân. Thủ tướng đặt vấn đề: Vậy vì sao kinh tế tư nhân nước ta vẫn chưa phát triển mạnh, bị lực cản từ môi trường kinh doanh hay thuế khóa, phân biệt đối xử? Doanh nghiệp phải làm gì và Nhà nước phải làm gì để kinh tế tư nhân phát triển tốt hơn?
Không thể phủ nhận thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh đang được cải thiện, nhưng vẫn có nhiều cảnh báo cần được xem xét thấu đáo. Mới đây ADB đã hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2017 từ 6,5% xuống 6,3%, lý giải căn cơ hơn những khó khăn nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt.
WB cảnh báo nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn duy trì như hiện nay nợ công của Việt Nam sẽ vượt trần trong những năm tới, dù tăng trưởng GDP có duy trì ở mức cao và chi phí huy động vẫn thuận lợi như hiện nay; cho rằng “tuy nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng hiện đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Bội chi ngân sách hiện đang ở mức cao, nợ công có thể trở nên không bền vững ngay khi có những cú sốc nhẹ do dư địa ngân sách ngày càng mỏng. Việt Nam dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay, ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản của Việt Nam vẫn được quản lý cẩn trọng”.
Trước diễn biến tích cực của tăng trưởng và số liệu thể hiện qua những con số thống kê, cho thấy những băn khoăn về chất lượng tăng trưởng và tính bền vững là có cơ sở. Vì vậy cần “hãm đà” định mức hưng phấn, cần nhận diện chính xác nền kinh tế để có giải pháp phù hợp, tạo bước tiến mạnh mẽ, dài hơi hơn.