DN khoáng sản: Tìm kế thoát hiểm

Sau 1 tháng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước, nhiều DN vẫn đặt hy vọng vào cơ chế xin - cho bằng cách gửi công văn cầu cứu.

Sau 1 tháng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước, nhiều DN vẫn đặt hy vọng vào cơ chế xin - cho bằng cách gửi công văn cầu cứu.

“Tối hậu thư”

Ngày 30-8-2011, Văn phòng Chính phủ có Công văn 6033a/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng việc cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước cho đến khi có chỉ đạo mới. Thông báo này có hiệu lực ngay lập tức, cho thấy quyết tâm của Chính phủ chấn chỉnh sự lộn xộn trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Thăm dò và khai thác khoáng sản là một lĩnh vực có khả năng sản sinh siêu lợi nhuận và cũng thuộc hàng thiếu minh bạch bậc nhất, do đó quyết định ngưng cấp phép chắc chắn sẽ động chạm tới nhiều nhóm lợi ích.

Hoàng loạt câu hỏi đang được đặt ra: Việc đóng cửa sẽ thực hiện trong bao lâu? Cơ chế quản lý mới sẽ thực hiện theo hướng nào? Bao giờ cơ chế đấu thầu quyền thăm dò, khai thác khoáng sản được thực hiện?...

Theo Công văn 6033a, tại phiên họp thường kỳ tháng 9-2011 Chính phủ sẽ nghe các bộ: Tài nguyên - Môi trường, Công Thương và Xây dựng báo cáo tổng thể thực trạng thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, vào phút chót chương trình này đã bị lùi lại vào phiên họp khác. Sự lỡ hẹn này càng khiến giới DN ngành khoáng sản như ngồi trên lửa khi chờ đợi quyết sách của Chính phủ.

Rất có thể thời hạn 1 tháng để các cơ quan quản lý đưa ra giải pháp tổng thể cho hoạt động khoáng sản là quá khó khăn. Những yêu cầu do Chính phủ đưa ra không dễ: Bộ Tài Nguyên - Môi trường đánh giá thực trạng cấp phép thăm dò, khai thác các loại khoáng sản trên cả nước và đề xuất những biện pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý. Bộ Xây dựng báo cáo tình hình quy hoạch, khai thác, chế biến và xuất khẩu của từng loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng hiện nay, nêu rõ mặt được, chưa được và biện pháp chấn chỉnh quản lý.

Đặc biệt khó là Bộ Công Thương phải báo cáo tình hình quy hoạch, khai thác, chế biến và xuất khẩu của từng loại khoáng sản hiện nay, nêu rõ mặt được, chưa được và có báo cáo rõ loại khoáng sản nào phải chế biến sâu, sâu đến mức nào và biện pháp chấn chỉnh, quản lý.

Vẫn nặng lòng xin - cho

Trong cáo bạch của các DN ngành khoáng sản khi tiến hành thủ tục niêm yết trên TTCK, luôn có dòng cảnh báo rủi ro: “DN chịu sự tác động trực tiếp từ các biến động về chính sách của Nhà nước, định hướng phát triển ngành khoáng sản, những ưu đãi khuyến khích hay hạn chế...”.

Tuy nhiên, còn có những rủi ro có thể tính trước, do chính DN tạo ra, lại không được đề cập. Đó là việc phát triển thiếu chiến lược, đầu tư dây chuyền chế biến vượt quá năng lực khai thác, đầu tư trước, xin cấp mỏ sau.

Việc khai thác khoáng sản đang được tập trung chấn chỉnh, tăng cường quản lý.
Việc khai thác khoáng sản đang được tập trung chấn chỉnh, tăng cường quản lý.

Đặc biệt từ năm 2005, khi UBND cấp tỉnh được phân cấp cấp phép các mỏ phân tán, nhỏ lẻ, cơ chế xin - cho trong hoạt động khoáng sản trở nên phổ biến, cách làm này càng nở rộ.

Vì vậy, trước và sau thời điểm 30-8-2011 đã có nhiều động thái cho thấy giới DN khoáng sản vẫn hy vọng vào cơ chế xin - cho, dồn cơ quan quản lý nhà nước vào tình thế khó xử. Thực tế, đã có một số DN lách được qua cửa hẹp ngay trước thời điểm 30-8-2011.

Đơn cử là Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi, đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến xỉ titan và gang hợp kim tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, khánh thành vào tháng 11-2011. Từ năm 2006, DN này được cấp quyền khai thác mỏ quặng titan Cây Châm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương) trữ lượng 30.000 tấn.

Sản phẩm 4 năm đầu khai thác đã được xuất bán là quặng thô, nên khi có nhà máy, trữ lượng quặng còn lại chỉ đủ để vận hành 50% công suất thiết kế trong vòng 1 năm. Chỉ sau 5 tháng vận hành, tháng 4-2011, công ty đã có văn bản kêu cứu tới các cơ quan quản lý nhà nước. Kết quả, tới ngày 30-6-2011 DN này đã được chấp thuận cấp phép tiếp tục thăm dò một số mỏ titan tại Thái Nguyên.

Thực tế, cách “kêu cứu” của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi không phải cá biệt. Thậm chí trong thời điểm hiện nay, cách làm này được tiếp tục thực hiện. Nhiều công văn kêu cứu của các DN đã được gửi tới các cơ quan quản lý địa phương và trung ương.

Nếu cách giải quyết theo từng vụ việc như đối với Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi trở nên phổ biến, sẽ rất khó lập lại được trật tự khai thác khoáng sản. Cơ chế xin - cho sẽ tiếp tục có đất tồn tại.

Luật Khoáng sản năm 2010 đã chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2011, thể chế hóa quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đây là thời điểm thanh lọc các DN ngành khai thác và chế biến khoáng sản.

Thông qua đấu thầu công khai, các DN có thực lực, sở hữu công nghệ hiện đại sẽ tồn tại, ngược lại buộc phải chịu đào thải. Việc này tạo công bằng cho DN, chọn được nhà đầu tư có năng lực và Nhà nước có nguồn thu thích đáng từ tài nguyên.

Các tin khác