PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ tình hình sản xuất, tiêu thụ thép những tháng đầu năm 2018?
Ông ĐỖ DUY THÁI: - Nhìn vào thống kê của VSA có thể thấy rõ tình hình ngành thép 5 tháng đầu năm nay. Theo đó, tổng sản lượng thép thành phẩm các loại đạt hơn 9,67 triệu tấn, tăng 24% so cùng kỳ; bán hàng đạt 6,69 triệu tấn (bao gồm cả xuất khẩu 1,56 triệu tấn), tăng 35,2% so với cùng kỳ. Đây là con số tiêu thụ tương đối khá, vì thị trường luôn trong bối cảnh phải cạnh tranh nên các DN khó có thể tiêu thụ hết công suất sản xuất.
Bởi lẽ hiện nay các DN ngành thép đang phải đối mặt với cạnh tranh cả trong nước và sức ép khi xuất khẩu. Trong nước, việc nhập khẩu thép Trung Quốc vẫn là vấn đề đáng quan ngại nhất. Đơn cử, sản phẩm thép cuộn xây dựng từ Trung Quốc vẫn nhập khẩu nhiều, đang là một trong những khó khăn cho DN Việt.
Dù pháp luật Việt Nam đã có quy định hạn chế nhập khẩu loại thép này nhưng bằng nhiều hình thức núp bóng các tiêu chuẩn, cho thêm chất này, chất kia và cả sự thiếu chặt chẽ trong việc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, sản phẩm này vẫn vào Việt Nam với số lượng lớn.
Hiện nay ASEAN đang được xem là thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam nhờ thuế giảm sâu, tuy nhiên các nước này cũng siết chặt các thủ tục nhập khẩu. Trong bối cảnh này, các cơ quan chức năng Việt Nam cần phải theo kịp xu hướng chung của khu vực và thế giới, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. |
Song nếu nhìn ở một góc khác, việc các nước tăng phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là xu thế chung trong hội nhập, nhất là đối với một ngành công nghiệp nặng quan trọng như thép.
Thực tế này buộc các DN phải xem đây là chuyện hết sức bình thường, đồng thời phải tự nâng cao năng lực cho chính mình, bao gồm năng lực pháp luật, năng lực cạnh tranh quốc tế, thuyết phục và thậm chí là thương lượng với các nước để có thể xuất hàng ở một sản lượng nhất định.
- Theo ông cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng ra sao đến ngành thép Việt Nam?
- Việc Hoa Kỳ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu vào nước này, chủ yếu đánh vào thép của Trung Quốc. Lâu nay chính phủ Trung Quốc với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, xuyên suốt nên ngành thép nước này đã phát triển rất mạnh, chiếm 50% tổng lượng thép toàn thế giới.
Thép Trung Quốc không chỉ đưa trực tiếp vào Hoa Kỳ mà còn thông qua nhiều thị trường khác để vào nước này. Chính vì thế để bảo vệ các nhà sản xuất thép trong nước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phải đưa ra chính sách thuế cao để hạn chế nhập khẩu. Theo tôi tình hình này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Các DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cả đường trực tiếp hoặc thông qua một nước khác.
Hiện nay có nhiều ý kiến lo ngại về việc chuyển xuất xứ Trung Quốc thành xuất xứ Việt Nam để xuất đi các nước khác. Hay việc Trung Quốc di dời các nhà máy sản xuất sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để sản xuất và bán hàng trực tiếp tại các thị trường đang tăng trưởng nhanh để không phải lo lắng về việc bị áp mức thuế quan từ Hoa Kỳ.
Để hạn chế việc này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, nếu không ngành thép sẽ gặp khó khăn. Bằng chứng tháng 6 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra quyết định cuối cùng đối với việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm thép Việt Nam với thuế suất rất cao, tương đương với thuế suất áp với thép Trung Quốc.
Nhìn qua Indonesia hay Malaysia, có thể thấy thép Trung Quốc đang hiện diện đáng kể ở 2 quốc gia này. Theo thống kê, trong vòng 4 năm qua, các công ty thép Trung Quốc đã đóng góp tới 32 triệu tấn công suất thép hàng năm trong các dự án thép mới ở Indonesia và Malaysia.
- Có một thực tế lâu nay là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành thép dường như vẫn nhận được nhiều ưu ái so với DN trong nước. Quan điểm của ông thế nào?
- Việc các DN FDI được ưu ái là điều chắc chắn và ngành thép cũng không ngoại lệ. Trong khi đó các DN trong nước gần như không được trợ lực. Lâu nay chúng ta vẫn biết thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành công nghiệp, xây dựng, vì thế cần phải giữ được vai trò chủ đạo trong ngành này, nhưng chúng ta vẫn không có chính sách nào để bảo vệ các DN sản xuất trong nước.
Đơn cử như chính sách hạn chế nhập khẩu thép cuộn xây dựng đến nay vẫn chưa làm tới nơi, đó là chưa nói tới những chính sách lớn hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng ngành thép cần phải quy hoạch lại, nhưng theo tôi đơn giản nhất là cần những chính sách công bằng, loại bỏ trường hợp “mua” chính sách, ai có năng lực sẽ đi lên, còn ai yếu kém buộc phải đào thải.
Nhiều DN thép trong nước hiện nay đang phát triển mạnh mẽ hoàn toàn có thể đầu tư ở mọi quy mô công nghệ và hoạt động có hiệu quả. Chính vì thế, thời điểm này không nên ưu tiên thu hút vốn đầu tư FDI vào ngành thép. Song tôi nghĩ việc này không dễ vì các nhóm lợi ích vẫn còn rất mạnh, các DN nước ngoài chỉ cần thông qua các nhóm này để vào Việt Nam.
Đây sẽ là trở ngại trong tương lai vì không loại trừ khả năng một số DN nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất thép ở Việt Nam với mục đích “mượn thị trường” Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm, tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam, đồng thời tránh thuế chống bán phá giá khi xuất sang các thị trường khác.
- Xin cảm ơn ông.