Thích ứng linh hoạt, nhưng không tránh khỏi thiệt hại
Những ngày này, Việt Nam đang giữa hai cuộc chiến, đó là cuộc chiến y tế với mục tiêu đẩy lùi dịch COVID-19 bảo vệ sức khỏe của nhân dân và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Cuộc chiến phòng chống dịch được triển khai khá sớm, bài bản và hiệu quả các giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Nước ta đang trở thành một điển hình thành công trong kiểm soát dịch bệnh.
Nhưng trong cuộc chiến kinh tế, những nỗ lực của chúng ta mới chỉ ở bước khởi đầu. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhưng việc thực thi của các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Nếu “chống dịch như chống giặc”, thì trong cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng cũng cần phải khẩn trương quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.
Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu đó. Lực lượng chủ công giữ vai trò duy trì sản xuất kinh doanh trong đại dịch và tái cấu trúc để phục hồi và phát triển sau đại dịch chính là đội ngũ doanh nhân - những vị thuyền trưởng đang đứng mũi chịu sào gần 800.000 DN và trên 5 triệu hộ kinh doanh trong cả nước.
Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3, đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là rất nghiêm trọng.
Có tới gần 85% DN trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp. Gần 60% DN cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh. Trên 40% DN cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu…
Cũng theo kết quả khảo sát, 73% DN đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các DN nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Trên 60% DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động. 46% DN không cắt giảm lao động, nhưng giảm giờ làm. 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực. 41% DN tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% DN cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% DN cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.
Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm. Dù vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài, không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với DN còn chất chồng trước mắt.
Cần trợ lực trước mắt và giải pháp lâu dài
Theo Chủ tịch VCCI, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19 và khó khăn của DN ngày càng gia tăng, VCCI đã khảo sát nhanh tình hình DN. Ngày 3/4, Chủ tịch VCCI đã tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo của gần 100 hiệp hội DN trong và ngoài nước để nắm bắt tình hình thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng, ảnh hưởng mới của dịch COVID-19 tới hoạt động của DN và những đề xuất, kiến nghị tiếp theo của cộng đồng DN.
Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các hiệp hội DN và DN, ngoài các giải pháp đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai, ngày 6/4, Chủ tịch VCCI đã lại gửi công văn tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ DN mới.
Cụ thể, về việc phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh, trong điều kiện dịch bệnh đang được kiểm soát tương đối tốt như hiện nay, mặc dù không được chủ quan, nhưng VCCI đề nghị, trừ một số ngành, lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, thì cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Điều đó giúp DN có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp như hiện nay.
Cần bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa. Hiện nay các DN sản xuất và kinh doanh theo chuỗi, nên tất cả các khâu của quá trình sản xuất, phân phối đều liên quan tới nhau, cần phải bảo đảm đồng bộ thì cả chuỗi mới hoạt động được, không thể xử lý cứng nhắc chỉ cho phép sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cuối cùng.
Về chính sách tài khóa, cần đề nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, BHXH, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể, vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng của các bộ, ngành còn chậm, DN có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng. Các chính sách này cần được áp dụng với hệ thống các ngân hàng thương mại, vì các ngân hàng thương mại cũng là DN.
Về chính sách tín dụng, ngoài các giải pháp hiện hành như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí… DN đề nghị có mức giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.
Về chính sách lao động, tiền lương, công đoàn, cần tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020.
Cần sử dụng quỹ kết dư Quỹ BHXH để hỗ trợ cho DN trả lương cho người lao động khi người lao động phải nghỉ việc vì thiếu việc làm và sử dụng quỹ kết dư này cùng với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho DN vay với lãi suất 0% để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động.
Các cơ chế hỗ trợ cần có hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng.
Về dài hạn, nhiều ý kiến đưa ra các con số khác nhau về số lượng người thất nghiệp. Nền kinh tế và cộng đồng DN Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có.
Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn mới có chất lượng cao hơn trong một chiến lược đầu tư phi tập trung, đa phương hóa nguồn cung ứng để tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường của các tập đoàn xuyên quốc gia. Để tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để đón nhận dòng vốn đầu tư mới.
Nhưng thách thức cũng lớn hơn khi xu hướng tự động hóa gia tăng, cơ hội việc làm trong những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ bị thu hẹp. Bài toán công ăn việc làm cho hàng triệu lao động kỹ năng còn thấp, trong các ngành công nghiệp dệt may, da dày, điện tử - các cỗ máy tạo việc làm chủ yếu trong nền kinh tế là một thách thức lớn. Sứ mệnh giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng này đè nặng lên vai của đội ngũ doanh nhân.
“Cần giải pháp nâng cao năng lực của DN, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong thời kỳ COVID-19 và vươn lên trong thời kỳ hậu COVID-19, đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Và nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho DN lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng DN ở tương lai”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.