Năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn còn yếu để có thể tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI.
Dù đã có nhiều nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhưng ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây, cũng phải thừa nhận hiệu quả hoạt động của khu vực tư nhân trong nước chưa được cải thiện đáng kể.
Theo một khảo sát vừa được VCCI công bố, có gần 2/3 số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn kinh doanh không có lãi. Khu vực tư nhân trong nước đã đóng góp gần một nửa GDP quốc gia và theo ông Lộc, riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 1/3 GDP, cho thấy khu vực tư nhân còn quá manh mún.
Cũng theo báo cáo của VCCI, trong số doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
“Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp và sức cạnh tranh không cao đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, ông Lộc nói.
Nhưng xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa. Tuy nhiên, viễn cảnh này vẫn còn xa vời.
Cuối năm ngoái, Tập đoàn Samsung đã mời nhiều công ty Việt Nam đến dự một cuộc hội thảo, trong đó Samsung giới thiệu tất cả những yêu cầu của tập đoàn này đối với một nhà cung cấp. Mục đích của hội thảo là để các công ty Việt Nam biết được mình cần làm gì để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà máy Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Thế nhưng, một điều đáng buồn là không có một doanh nghiệp Việt Nam nào khi đó có khả năng đáp ứng được tất cả các yêu cầu mà Samsung đưa ra. Cho đến thời điểm này, tình hình cũng không có nhiều thay đổi.
Thực trạng trên cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Sherry Boger, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cũng nhận định năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn yếu để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI.
Theo số liệu từ AmCham, hiện chỉ 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, chỉ có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Và sự đóng góp của các doanh nghiệp này trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp tại các nước khác.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn kém dù Chính phủ những năm gần đây đã có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, đó là do chính sách hỗ trợ từ Chính phủ vẫn chưa đủ mạnh.
Theo ông Vương, hiện cũng đang là Tổng Giám đốc Công ty Thép Bắc Việt, công nghiệp hỗ trợ - một trong những nền tảng cơ bản của nền sản xuất công nghiệp rất “vừa vặn” với sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa - đã không được nhìn nhận đúng vai trò.
“Mất quá nhiều thời gian để ban hành cho nó một bộ luật riêng, dù có nhiều hình mẫu thành công trước đó như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan hay Trung Quốc. Một nghị định riêng cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được ban hành sau nhiều lần dự thảo,” ông Vương nói.
Chắc chắn sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lại sẽ phụ thuộc vào khả năng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, theo bà Boger, Chính phủ không thể chậm trễ hơn trong việc đưa ra một kế hoạch hành động hợp tác với khu vực tư nhân. Điều này sẽ giúp Chính phủ và các doanh nghiệp xác định chính sách ưu đãi để phát triển những doanh nghiệp thành công cho việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Áp lực cạnh tranh và mất thị trường ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp Việt sẽ càng lớn hơn, sau khi Việt Nam gia nhập một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
“Chính phủ đang đàm phán nhiều hiệp định FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới đặc biệt quan trọng như TPP, EVFTA nhưng đến nay không nhiều doanh nghiệp biết về các FTA này. Càng ít hơn nữa những doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho FTA,” ông Lộc nói.