Cùng với đó, 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm đã được giao thành công. Kết quả này có được nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới trong năm 2023, điển hình là livestream và bán hàng đa kênh, đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng.
Cũng theo đơn vị nghiên cứu này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Bước sang năm 2024, dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh. Theo đó, các sàn TMĐT lớn của Việt Nam có thể đạt doanh thu hơn 310.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Ở góc độ khác, cũng trong năm 2023, hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đã rời khỏi thị trường. Dù rằng đã có thêm hơn 95.000 nhà bán mới xuất hiện trên sàn TikTok Shop, khiến thị trường trên các sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 cân bằng lại và giữ được nhịp độ sôi động, song tốc độ và quy mô đào thải vẫn rất lớn. Hay nói cách khác, 2024 tiếp tục là năm bùng nổ của TMĐT. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp (DN).
Nếu như giai đoạn 2016-2018, bất kỳ DN nào chuyển hướng lên sàn cũng dễ dàng có được lợi nhuận, thì vài năm trở lại đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn, những DN trụ lại đều là người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng. Ngoài ra, mua bán xuyên biên giới tiếp tục là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
Điểm qua bức tranh TMĐT trong năm 2023 và hiện nay để có thể thấy, đằng sau những con số báo cáo “tăng trưởng ấn tượng” dễ khiến chúng ta rơi vào bẫy “lạc quan đến chủ quan”. Đó là trong số doanh thu 233.000 tỷ đồng của năm 2023 qua 5 sàn TMĐT, doanh thu của các DN Việt Nam bán qua sàn chiếm bao nhiêu? Và trong con số hơn 105.000 nhà bán lẻ đã rời khỏi 5 sàn TMĐT trong năm vừa qua, số DN Việt Nam nằm bao nhiêu trong số ấy? Tôi cho rằng con số sẽ không hề nhỏ.
Rõ ràng, đi kèm sự tăng trưởng lớn mạnh đó lại là sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, dẫn đến đẩy nhanh tốc độ đào thải trên thị trường. Và, sự tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam, rất có thể lại được thúc đẩy bởi chính các DN bán lẻ nước ngoài chứ không hẳn là DN Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI vào bán hàng, đưa hàng hóa trực tiếp đến thẳng người tiêu dùng Việt Nam, giảm thiểu khâu phân phối trung gian (trước kia thường thông qua DN Việt Nam), đã biến các DN Trung Quốc thành những người “buôn tận gốc, bán tận ngọn, thu lời tối đa”.
Bởi với chu trình cung-cầu thông thường như trước kia, DN sản xuất tạo ra sản phẩm cần phải có khâu trung gian phân phối (đến tay nhà buôn hàng, nhà buôn hàng vận chuyển bán cho nhà bán lẻ, sau đó nhà bán lẻ mới bán cho người tiêu dùng), giờ đây chu trình này đã khác, với sự tham gia của công nghệ AI.
Các DN Trung Quốc sản xuất ra sản phẩm, sau đó chỉ cần đưa sản phẩm tới kho (hệ thống tổng kho sát biên giới Việt Nam), tại kho có người bán (cũng là người của DN Trung Quốc phụ trách), sau đó bằng hình thức bán hàng trực tuyến thông qua livestream, DN Trung Quốc sẽ bán cho người tiêu dùng Việt Nam.