Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn; thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp, dừng triển khai dự án, cắt giảm lao động. Doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu…), lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả vật liệu xây dựng tăng cả đầu vào, không bán được sản phẩm…
Qua các buổi làm việc trực tiếp của Tổ công tác của Chính phủ với các địa phương, doanh nghiệp và qua báo cáo từ các địa phương, doanh nghiệp gửi về cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến các khó khăn nói trên. Về thể chế, quy định pháp luật, khó khăn vướng mắc trong xác định giá đất, tiền sử dụng đất, giao đất… đặc biệt việc xác định đâu là “giá thị trường” (chiếm trên 50% vướng mắc các dự án). Quy hoạch chi tiết 1/500 không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không phù hợp phải rà soát điều chỉnh…
Các doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn trong tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, ngay cả doanh nghiệp có tài sản đảm bảo; khách hàng mua bất động sản không được giải ngân, thậm chí trước đó đã ký thỏa thuận cho vay của ngân hàng khiến doanh nghiệp không bán được sản phẩm, lãi suất cuối năm 2022 tăng cũng tạo khó khăn cho việc huy động nguồn vốn triển khai dự án…
Nhiều doanh nghiệp thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu doanh nghiệp rất lớn, hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ và có thời hạn trả nợ vào năm 2022 và năm 2023 gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn phải trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư…
Từ đó Bộ Xây dựng kiến nghị hàng loạt giải pháp về thể chế, nguồn vốn, tổ chức thực thi pháp luật… nhằm tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.