Nhiều trái phiếu không có tài sản đảm bảo
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), số lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp bất động sản năm 2021 kể trên gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỉ đồng. Mức lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8 - 13 %/năm.
Đáng chú ý, tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp các lĩnh vực. Trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Theo Bộ Xây dựng, điều này có thể tiềm ẩn rủi ro cho thị trường và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, nhằm tránh những tiềm ẩn, rủi ro.
Cũng liên quan đến dòng tiền vào bất động sản, Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến 20.12.2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) đăng ký vào Việt Nam năm 2021 đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với hơn 2,6 tỉ USD (chiếm 8,3%).
So với năm 2020 thì dòng vốn đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm khoảng 1,6 tỉ USD. Nguyên nhân giảm là do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với tiềm năng và môi trường đầu tư được cải thiện thuận lợi hơn, dòng vốn này sẽ được khơi thông, phát triển khi dịch bệnh được khống chế.
Doanh nghiệp bất động sản ứng dụng công nghệ trong bán hàng
Thị trường bất động sản bị tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 |
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực xây dựng là hơn 14.300 doanh nghiệp, chiếm 12,3% trong tổng số doanh nghiệp mới thành lập; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là hơn 7.000 doanh nghiệp, chiếm 13,8% trong tổng số doanh nghiệp dừng kinh doanh; số lượng doanh nghiệp chờ giải thể trong lĩnh vực xây dựng là hơn 6.200 doanh nghiệp, chiếm 12,9% trong tổng số doanh nghiệp chờ giải thể.
Bộ Xây dựng đánh giá, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán - tiếp xúc - tư vấn khách hàng không thể thực hiện, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao cũng càng khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn, khá nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải ngừng thi công.
Bên cạnh đó, năm 2021, do tác động của dịch Covid-19, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề, việc mua bán, giao dịch trên thị trường gần như bị “đóng băng”. Đặc biệt, giai đoạn quý 2 và quý 3 do nhiều địa phương phải thực hiện việc giãn cách xã hội trong thời gian dài, hàng loạt các sàn giao dịch bất động sản phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp còn có khả năng chống đỡ.
Sang quý 4, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các quy định nới lỏng giãn cách xã hội cũng được ban hành, đã giúp thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi đáng kể, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản đã hoạt động trở lại, nhiều sàn giao dịch bất động sản mới được thành lập. Các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số, giao dịch trực tuyến vào hoạt động bán hàng, đã giúp hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản từng bước hoạt động trở lại.