Doanh nghiệp BĐS bất ngờ phát hành thành công hơn 7.000 tỷ đồng trái phiếu

(ĐTTCO) - Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày công bố thông tin 17-3, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng là 803 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu (TP) đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong nửa đầu tháng 3-2023 giảm 88% so với cùng kỳ tháng 3-2022. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2023 tới giữa tháng 3, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 16.300 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng thời, dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) cũng cho biết, tính đến ngày 17-3, thị trường có 6 đợt phát hành TP riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 11.930 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nếu tính theo nhóm ngành thì bất động sản (BĐS) và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành có giá trị phát hành TP lớn nhất trong tháng 3. Trong đó, tổng giá trị phát hành của nhóm ngành BĐS và hàng tiêu dùng lần lượt là hơn 7.000 tỷ đồng và 4.800 tỷ đồng, chiếm 59% và 40% tổng khối lượng phát hành trong tháng 3.

Trong nhóm ngành BĐS, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An có giá trị phát hành lớn nhất đạt 4.700 tỷ đồng, kỳ hạn 1,5 năm, lãi suất kỳ đầu cố định 13%/năm. Các kỳ sau thả nổi bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 1%/năm, nhưng không thấp hơn 13%/năm.

Xếp thứ 2 về khối lượng phát hành là Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas với giá trị phát hành đạt 2.300 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm và lãi suất cố định 2 kỳ đầu là 6%/năm. Các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%/năm nhưng không vượt quá 6%/năm.

Nhóm ngành hàng tiêu dùng ghi nhận 1 đợt phát hành của Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living với giá trị phát hành đạt 4.800 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 4 kỳ đầu 9%/năm và thả nổi vào các kỳ sau.

Về TP đến hạn, VBMA cũng cho biết thêm, tổng giá trị TP đến hạn còn lại trong tháng 3-2023 là 6.700 tỷ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn như BĐS (3.300 tỷ đồng, chiếm 49% giá trị đến hạn) và hàng tiêu dùng (2.000 tỷ đồng, chiếm 29.8% giá trị đến hạn).

Các tin khác