ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế, xung quanh vấn đề làm thế nào để đảm bảo an toàn hoạt động đầu tư TPDN của các NHTM.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vì sao NH bung vốn vào TPDN lớn như vậy?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Có nhiều lý do dẫn đến vấn đề này. Thứ nhất, TPDN có lợi nhuận cao do lãi suất cao. Thứ hai, TPDN cũng tính vào trong dư nợ cho vay của DN vay tiền, trong khi có tính thanh khoản cao hơn cho vay. Khi cho vay muốn bán nợ khó hơn, còn đầu tư TPDN có thể bán TP đó cho đối tác khác. Đồng thời, NH nắm giữ TPDN còn vì có nhiều lợi ích khác.
Tôi cho rằng, các NH mua TP phần lớn vì lợi nhuận. Và đó chính là rủi ro cho hệ thống. Theo tính toán của tôi, gần 300.000 tỷ đồng TPDN các NH nắm giữ, tương đương 18% vốn chủ sở hữu của NH (theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9-2022 vốn chủ sở hữu của các NH 1,7 triệu tỷ đồng).
Trong trường hợp các nhà phát hành không trả được nợ, nói cách khác là vỡ nợ TP, có thể kéo hệ số an toàn vốn từ mức 11,69% (tại thời điểm 10-2022) xuống dưới 10%. Đó là dấu hiệu ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống NH.
- NHNN đã thanh tra 11 NH, theo ông cơ quan thanh tra có nắm được hết vấn đề của TPDN tại NH và có nên công bố kết quả thanh tra này?
- Theo tôi, NHNN nên công bố kết quả thanh tra. Với NH có sai phạm, NHNN có thể không cần công bố tên, nhưng phải công bố kết quả thanh tra để biết vi phạm ở mức nào, vi phạm những điều gì, để nhà đầu tư và các thành phần trong nền kinh tế biết được các TP mà NH đang nắm giữ có vấn đề gì.
Chẳng hạn như TPDN do NH đang nắm giữ, các NH có cộng dư nợ TP đó vào dư nợ của DN hay giữ ở mục đầu tư chứng khoán. Tiếp theo, xem mức độ rủi ro của TP qua tình hình tài chính của công ty phát hành TP đó, liệu họ có khả năng trả nợ không.
Ở thời điểm hiện tại, trong tổng lượng TPDN do 11 NH bị thanh tra có bao nhiêu TP mất khả năng thanh toán, chỉ cơ quan thanh tra mới có thể tìm ra câu trả lời.
Liên quan đến vấn đề NH đầu tư vào TPDN, tôi đề nghị NHNN cũng nên sử dụng phân loại nhóm nợ cho TPDN. Mặc dù TP không được xem là cho vay thông thường, nên không được phân loại theo nhóm nợ. Nhưng thật sự không có gì khác biệt giữa cho vay DN hay mua TP của NH, nên phải xếp loại như tín dụng bình thường và phải trích lập dự phòng rủi ro như món nợ bình thường.
- Trước đây, hệ thống NH xảy ra tình trạng sở hữu chéo để cho vay sân sau. Vậy theo ông cần phải sửa đổi gì để tránh lặp việc các NH đẩy vốn đến hệ sinh thái, hoặc các công ty liên quan đến ông chủ NH thông qua hoạt động đầu tư TPDN?
- Thông qua thanh tra, NHNN sẽ biết được các NH mua TP của ai, mua của các bên liên quan thế nào. Quan hệ giữa NH và nhà phát hành như thế nào cũng dễ dàng tìm ra. Tuy nhiên, cần có những quy định chặt chẽ về việc một nhóm đầu tư hoặc một công ty nào mua một NH, rồi các công ty trong hệ sinh thái của họ lại phát hành TP để NH mua.
Đây cũng là vấn đề liên quan đến câu chuyện “sân trước sân sau”. Thực chất, NH có thể mua TP của các công ty liên quan, nhưng việc mua này phải dựa trên những điều kiện thị trường bình thường.
Chẳng hạn, NH mua TP đó phải ở mức lãi suất bình thường và điều kiện mua TP cũng phải là điều kiện NH áp dụng cho tất cả đối tác khác. Đồng thời, NH phải tuân thủ Luật Các TCTD là dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với 1 khách hàng không quá 15% vốn tự có, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với 1 khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của NH.
Được biết, Luật Các TCTD sửa đổi bổ sung, NHNN dự kiến siết lại các tỷ lệ này, lần lượt xuống mức 10% và 15%, điều này cũng hợp lý để giảm thiểu rủi ro cho các NH.
- Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ phá sản với lý do đầu tư qua nhiều hệ thống. NH tại Việt Nam có hiện tượng giống vậy hay không và ông có khuyến nghị gì về vấn đề này?
- SVB vỡ nợ vì họ mua TP lúc lãi suất rất thấp hoặc bằng 0. Bây giờ lãi suất đã lên cao. Khi lãi suất lên cao, giá trị TP đã mua với lãi suất thấp lúc trước bị đẩy xuống. Thời gian vừa rồi, các DN khởi nghiệp, DN fintech không phát hành TP được vì lãi suất cao, nên họ quay trở lại SVB rút tiền ra.
Điều này khiến SVB gặp vấn đề về thanh khoản và phải bán lượng TP họ đang nắm giữ và thiệt hại lớn. Vì tại thời điểm họ bán, giá TP thấp hơn trước rất nhiều. Mức thiệt hại lên đến 20 tỷ USD là nguyên nhân chính, dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác nữa khiến NH này sụp đổ.
Ở Việt Nam cũng có tình trạng tương tự, khi các NH đã mua TP lúc lãi suất còn thấp. Lãi suất của TPDN hiện nay cao hơn trước sẽ đẩy giá thị trường của những lô TP trước đây xuống, có thể sẽ gây thiệt hại.
Đồng thời, Việt Nam không có thị trường tự do và minh bạch về giá chứng khoán như ở Mỹ, nên nếu NH nắm giữ TP của DN sai phạm sẽ không thể bán được các lô TP đó. Hiện thị trường TPDN đang được Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc để khơi thông.
Về lâu dài tôi cho rằng, với hoạt động đầu tư TPDN, các NH nên quản lý chặt chẽ hơn bằng cách thường xuyên thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng, mỗi năm đánh giá lại tín nhiệm của khách hàng 1 lần, xem lại báo cáo tài chính của DN để biết khả năng trả nợ TP.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quản lý rủi ro qua việc thanh tra hoạt động đầu tư TPDN của NH, để biết TP đó được hạch toán như thế nào, những nhà phát hành TP có khả năng tài chính ra sao, từ đó nhìn nhận, can thiệp bằng cách cảnh báo sớm để NH có thể xử lý TP đó.
- Xin cảm ơn ông!
Dù TP không được xem là cho vay thông thường, nhưng thật sự không khác biệt với cho vay DN, nên cũng cần phải xếp loại như tín dụng bình thường.