Doanh nghiệp càng mạnh càng có nhiều năng lực nội sinh

(ĐTTCO) - Ngày mai 19-9, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, với sự tham dự và chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Doanh nghiệp càng mạnh càng có nhiều năng lực nội sinh

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Thủ đô Hà Nội, và kết nối trực tuyến với nhiều điểm cầu trong cả nước. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhằm đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2023.

Mục tiêu đang dần xa?

Thế giới và khu vực đã và đang biến động rất nhanh, biến động khó lường, và sẽ tiếp tục có những tác động không nhỏ tới nền kinh tế trong nước. Vì vậy, tăng cường năng lực nội sinh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và có sức chống chịu đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh này, có cộng đồng DN phát triển là một trong các yếu tố quyết định sức chống chịu của nền kinh tế.

Đó là cộng đồng đông về số lượng, đa dạng về ngành nghề, quản trị tốt, năng động, sáng tạo và có năng lực cạnh tranh cao… Cộng đồng DN như thế sẽ là động lực tăng trưởng cao bền vững, tạo việc làm tốt và ổn định cho người dân, tạo nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, đóng góp chủ yếu vào các quỹ dự trữ quốc gia… Cộng đồng DN Việt cũng là động lực làm nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau các biến động lớn, bất thường từ bên ngoài.

Hơn 3 thập niên qua, cộng đồng DN Việt Nam đã có được sự phát triển nhanh và mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với đất nước. Nhiều DN đã tạo được đột phá, thực hiện những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế.

Nhưng cho đến nay, số lượng DN chưa nhiều, mật độ DN còn thấp, chỉ đạt 9/1.000 dân. Vì thế, số việc làm do DN tạo ra cho nền kinh tế vẫn khiêm tốn. Tổng số lao động làm việc tại DN năm 2022 khoảng 15 triệu (gần 30% tổng dân số trong độ tuổi lao động). Tốc độ gia tăng DN đang hoạt động hàng năm không cao và đang giảm dần, khiến các mục tiêu về số lượng DN đang hoạt động theo mốc thời gian đều không đạt, và khoảng cách đến mục tiêu ngày càng xa dần.

Doanh nghiệp Việt Nam: Thời điểm khó khăn. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tình hình Kinh tế - Xã hội 8 tháng năm 2023.

Doanh nghiệp Việt Nam: Thời điểm khó khăn. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tình hình Kinh tế - Xã hội 8 tháng năm 2023.

Trong cộng đồng DN Việt Nam rất ít DN lớn, thiếu vắng DN vừa nhưng có tới 70% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Hiệu quả kinh doanh của DN tư nhân trong nước ở tất cả chỉ số thấp hơn nhiều so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi chỉ bằng 20-60%. Đáng lưu ý, trong 10 năm qua (2011-2022) tỷ lệ DN kinh doanh có lãi đang giảm, số DN báo lỗ có xu hướng gia tăng.

Chỉ 40% DN tư nhân trong nước kinh doanh có lãi (FDI là 50% và DNNN khoảng 80%). Chưa đầy 30% DN siêu nhỏ kinh doanh có lãi. Đặc biệt, DN tư nhân trong nước yếu thế toàn diện so với DN FDI cả về hội nhập và năng lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.

Cùng đầu tư, cùng chia sẻ rủi ro

Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, là chủ trương đặt ra trong Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội 2021-2030. Chiến lược này cũng đặt mục tiêu có ít nhất 2 triệu DN vào năm 2030 với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%. Nhưng đến nay, e rằng mục tiêu này khó đạt được.

Để đạt mục tiêu đầy thách thức 2 triệu DN, mỗi năm trung bình phải tăng thêm ít nhất 143.000 DN. Chính phủ phải xác định số lượng DN tăng thêm hàng năm là mục tiêu ưu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm. Đồng thời, phải có hàng loạt giải pháp tương ứng nhằm tăng số DN thành lập mới và DN quay lại hoạt động, cũng như giảm số DN tạm ngưng kinh doanh, đặc biệt giảm đến mức tối đa số DN giải thể, phá sản.

Cần chương trình khuyến khích khởi nghiệp, đồng hành và hỗ trợ phát triển DN tư nhân trong suốt thời kỳ 2024-2030. Chương trình này có thể sẽ được bổ sung, sửa đổi, làm mới hàng năm để phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tế đã thay đổi.

Để mở rộng và nâng cấp quyền tự do kinh doanh, trong xây dựng luật pháp, phải tiếp cận theo phương pháp “chọn bỏ” trong soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, dân sự. Đồng thời, áp dụng nguyên tắc này để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy pháp pháp luật hiện đang theo nguyên tắc “chọn cho”, đảm bảo người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm như Hiến pháp 2013 đã định.

Tự do kinh doanh gắn liền với an toàn kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ. Để có được an toàn, giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ, luật pháp phải rõ ràng, nhất quán, minh bạch và đặc biệt dự đoán trước được. Hệ thống tài phán (tòa án, trọng tài…) cung cấp dịch vụ công lý công bằng, tin cậy và hiệu quả.

Thể chế thực thi luật pháp phải công tâm, công bằng, minh bạch. Phải hạn chế tối đa tiến tới loại bỏ hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Trong trường hợp luật pháp chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu và có thể áp dụng khác nhau, cần sử dụng cách hiểu và cách áp dụng có lợi nhất cho người dân và DN.

Một cộng đồng DN phát triển cần có nhiều DN mạnh. Muốn vậy cần hỗ trợ có chọn lọc đối với các DN vừa và lớn. Có thể chọn các DN đang tăng trưởng nhanh, đang có cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh và thị phần, các DN trong các ngành công nghiệp mới nổi.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cần thể hiện thái độ đồng hành tạo dựng cơ hội, cùng chia sẻ khó khăn, nhất là hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, nắm bắt và làm chủ công nghệ, cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển kinh tế quốc gia. Đồng thời, ban hành các chính sách phù hợp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các DN đó phát triển.

8 giải pháp để đạt mục tiêu 2 triệu DN

(1) Tăng nhanh số DN gia nhập thị trường.

(2) Tiếp tục mở rộng và nâng cấp quyền tự do kinh doanh.

(3) Đảm bảo an toàn tối đa trong hoạt động kinh doanh; giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

(4) Thực hiện các chương trình hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ linh hoạt, chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả.

(5) Hỗ trợ có chọn lọc đối với DN vừa và lớn.

(6) Tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh cấp tỉnh và hỗ trợ phát triển DN địa phương.

(7) Tiếp tục cải cách, khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ.

(8) Đổi mới cách thức, thái độ làm việc của công chức và cơ chế kiểm soát chất lượng văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh.

Các tin khác