Doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn do thị trường suy giảm nhu cầu

(ĐTTCO) - Từng đạt giá trị triệu đô mỗi năm trong thời gian dài, nhưng 2 năm trở lại đây ngành chế biến gỗ tại tỉnh Gia Lai đã bước vào giai đoạn khó khăn vì cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều suy giảm nghiêm trọng.
Công ty Minh Dương duy trì 1/4 công suất nhà máy trong tình cảnh khó khăn (Ảnh: Nguyễn Thảo)
Công ty Minh Dương duy trì 1/4 công suất nhà máy trong tình cảnh khó khăn (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Những năm gần đây, Công ty TNHH Minh Dương Kon Tum, ở KCN Diên Phú, TP.Pleiku cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nội thất ở TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương gần 20.000m3 ván thanh gỗ cao su tẩm sấy mỗi năm. Nhưng từ giữa năm ngoái, nhiều doanh nghiệp bạn hàng đã dừng hẳn xuất khẩu, khiến công ty Minh Dương buộc phải giảm sản xuất. Từ đầu năm tới nay, tình hình càng trở nên khó khăn, công ty chỉ còn duy trì sản xuất bằng 1/4 công suất so với mọi năm.

Ông Phan Đình Kế, Giám đốc cho biết, doanh nghiệp chưa thấy tín hiệu khả quan nào từ thị trường: “Hiện tại, những doanh nghiệp tinh chế gỗ nội thất đã thu hẹp 80% sản xuất, kéo theo những doanh nghiệp sơ chế như chúng tôi chỉ biết thu hẹp sản xuất hơn 50% sản lượng. Chung tôi cũng đang chờ những hợp đồng mới của những nhà xuất khẩu. Hi vọng vậy chứ không biết làm thế nào”.

Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Gia Khang, chuyên sản xuất nội thất ở tỉnh Gia Lai cũng đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng có. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc công ty cho biết, vào thời điểm thị trường ổn định, hàng năm, công ty đạt doanh thu từ 50 đến 100 tỷ đồng. Nhưng, gần 1 năm nay, doanh thu giảm 70%. Từ mức 200 công nhân, hiện tại nhà máy chỉ còn 40 người làm việc cầm chừng.

Theo ông Khánh, doanh nghiệp không chỉ khó tìm chỗ đứng ở thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa cũng đang bị doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh mạnh và ngày càng giảm sút. Ông Khánh cho rằng, doanh nghiệp chế biến gỗ cần có sự thay đổi để tự cứu lấy mình, nhưng doanh nghiệp gỗ Gia Lai, đa số không có đủ nguồn lực.

“Duy trì sản xuất kinh doanh đối với những nơi xa cảng biển như Gia Lai thì buộc phải tính đường dài là phát triển bền vững, phải sử dụng gỗ rừng trồng, chuyển dần công nghệ sản xuất để bán sang thị trường Châu Âu. Nhưng cái khó của doanh nghiệp sản xuất là phải đủ lực, phải có đất trồng rừng, hoặc liên kết với các tổ chức trồng rừng để đảm bảo vùng nguyên liệu lâu dài thì mới làm được”, ông Khánh trăn trở.

Không bán được hàng, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở Gia Lai đang ở tình trạng tồn kho khối lượng lớn (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh có gần 290 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, gia công mộc dân dụng, băm dăm, viên nén... Trong số đó, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cung cấp sản phẩm thô cho các công ty ngoài tỉnh sản xuất thành phẩm và xuất khẩu.

Từ năm 2020 tới nay, sản lượng và giá trị toàn ngành sụt giảm nghiêm trọng, nhiều cơ sở, nhà máy đã đóng cửa. Riêng với xuất khẩu, từ kim ngạch hàng chục triệu USD những năm trước, 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 192.000 USD. Tình trạng này có nguyên nhân từ ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong nước và toàn cầu. Điều này đặt ra vấn đề, doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.

Các tin khác