Doanh nghiệp có còn kỳ vọng vốn tín dụng?

(ĐTTCO) - Lâu nay, doanh nghiệp (DN) chủ yếu sống dựa vào vốn NH. Nhưng thời gian qua dòng vốn này bị cạn do vướng room tín dụng. Một số DN chuyển hướng phát hành trái phiếu (TP), nhưng sự cố liên quan đến TP xảy ra tại một vài DN khiến kênh huy động vốn này chững lại. Những tháng cuối năm rất cần vốn, liệu DN có kỳ vọng vào vốn NH khi lãi suất lên cao, và muốn vay cũng không hề dễ.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
DN vẫn có thể quay lại NH
Năm nay có đặc thù là ngay từ đầu năm NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, cao hơn mức của năm 2020 và 2021. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng rất khác so với các năm trước, là bứt tốc ngay từ những tháng đầu năm và hiện vẫn tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước.
Theo số liệu của NHNN, đến ngày 25-10 tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm 2021 và tăng trên 17% so với cùng kỳ (cũng là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước). 
Điều này cho thấy các thành phần trong nền kinh tế vẫn trong xu hướng dựa rất nhiều vào vốn tín dụng NH. Thế nhưng vài tháng qua, tiếp cận vốn NH gặp khó vì room tín dụng hạn hẹp. Chỉ mới giữa năm, nhiều nhà băng đã gần hết room tín dụng được cấp, vì nhu cầu vay vốn của các DN rất cao trong năm khởi đầu của quá trình phục hồi sau đại dịch. NHNN cũng đã nới thêm room tín dụng cho một số NH song liều lượng rất ít so với nhu cầu.
Trong cơ cấu, thị trường vốn có thị trường chứng khoán (TTCK), TP và thị trường tín dụng trung và dài hạn. Khi kênh tín dụng bị siết,  DN có thể tìm đến các kênh còn lại. Chẳng hạn, huy động vốn trên TTCK thông qua việc phát hành cổ phiếu, vừa không cần thanh toán lãi vay cũng như phải trả vốn gốc giống như việc vay nợ, là giải pháp tối ưu.
Thế nhưng nguồn vốn hỗ trợ cho DN từ kênh này còn rất nhỏ trong tổng nguồn vốn kinh doanh. Thêm vào đó, TTCK hiện tại lao dốc mạnh khiến các DN ở tất cả ngành nghề từ sản xuất kinh doanh đến phi sản xuất khó phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Thị trường bất động sản (BĐS) cũng có nhiều kênh hút vốn khác như vốn đầu tư trực tiếp, chứng khoán, TPDN, vốn tự có của DN và từ người dân. Song hiện nay, cá nhân mua BĐS cũng chủ yếu dựa vào vốn vay NH. Trong khi đó, vay mua BĐS đối với cá nhân cũng như vay tiêu dùng không còn rộng cửa như trước, kênh cho vay BĐS cũng rơi vào thế kẹt.
Thời gian qua, để giải quyết bài toán vốn khi NH không có nhiều dư địa hỗ trợ, nhiều DN trong đó có DN BĐS đã tìm đến kênh TP. Nay kênh này cũng bị ngưng trệ sau sự cố sai phạm xảy ra tại một vài DN, vì thế khó phát hành TP mới. Cùng lúc áp lực mua lại TP trước hạn đang khá nặng nề do nhà đầu tư lung lay niềm tin. 
Như vậy, thị trường vốn được đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ các khoản đầu tư dài hạn cũng chưa thể là chỗ dựa cho các DN. Khi các thị trường đều bất lợi, bắt buộc DN quay lại tìm vốn NH dù biết room tín dụng hiện tại còn rất ít ỏi. Có thể hiểu trong lúc này, cả DN sản xuất kinh doanh lẫn DN phi sản xuất đều chỉ kỳ vọng vào nguồn vốn là tín dụng NH.

Nhưng ai sẽ được vay?
Tại một tọa đàm diễn ra ngày 15-11, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho biết từ nay đến cuối năm có thể sẽ có thay đổi lớn về room tín dụng. Vì nếu không chuẩn bị từ bây giờ, đến quý I, quý II năm sau sẽ rất khó khăn, hơn nữa việc giải ngân luôn có độ trễ từ 5, 6 tháng trở lên.
Theo ghi nhận của ĐTTC, đề xuất nới trần tăng trưởng tín dụng thêm 1-2% đang được đề cập khoảng 2 tháng trở lại đây, vì “chiếc áo” tín dụng hiện tại quá chật so với nhu cầu phục hồi sau dịch của cộng đồng DN. Các kênh vốn khác bị nghẽn, DN quay lại NH sẽ càng làm “chiếc áo” này căng thêm. 
Trong bối cảnh room tín dụng ngày càng hạn hẹp, lãi suất huy động tại nhiều NHTM đang tăng nhanh. Tuần trước, Techcombank đã nâng lãi suất cao nhất lên 9%/năm cho khách hàng ưu tiên gửi mới tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Một số NHTMCP quy mô lớn khác cũng đã niêm yết lãi suất chạm mốc 9%/năm, như VPBank và SHB. NHTM có vốn nhà nước cũng đã nhập cuộc nhanh chóng, BIDV đã tăng thêm 1% lãi suất tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 12 tháng, từ 6,9%/năm lên 7,9%/năm.
Mới đây VietinBank áp dụng lãi suất cao nhất 8,2%/năm kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng theo hình thức gửi online. Lãi suất huy động tăng đồng nghĩa với lãi suất cho vay tăng. Khoảng 1-2 tháng nay, nhiều NH đã thông báo tăng lãi suất đến các khách hàng đang có các khoản vay. Rõ hơn nữa là gần đây lãi suất cơ sở (lãi suất sử dụng để xác định mức lãi suất cho vay sau thời gian điều chỉnh) của các nhà băng cũng được điều chỉnh tăng. 
Thông thường, các nhà băng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Hiện ACB tăng lãi suất cơ sở từ 8%/năm lên 8,5%/năm, SeABank tăng thêm 0,3% lên 9,9%/năm, Sacombank áp dụng mức 6,5-8,6%/năm tùy theo kỳ hạn vay.
Một số NH cũng nâng lãi suất cơ sở lên trên 10%, như TPBank với các mức lãi suất cơ sở dao động 9,1-10,6%/năm; SHB dao động 10-11,3%/năm, Techcombank từ 9,85-12,15%/năm, VIB dao động 9,1-11,4%/năm, VietBank từ 9,75-10,75%/năm. Với mức lãi suất cơ sở như vậy, trừ những lĩnh vực ưu tiên được hưởng lãi suất theo quy định của NHNN, lãi suất cho vay đối với nhóm còn lại đều khó nằm dưới mức 10%/năm. 
Lãi suất huy động sẽ khó hạ nhiệt vì mặt bằng vốn năm nay khác mọi năm, huy động vốn tăng trưởng chậm. Tốc độ huy động vốn đến ngày 25-10 tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Áp lực tăng lên lãi suất cho vay sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và với đà tăng đang duy trì, khó có thể kỳ vọng hạ nhiệt lãi vay trong thời gian ngắn. 
“Chiếc áo” tín dụng hiện tại cũng không rộng rãi, NH sẽ chọn lọc khách hàng cho vay. Như vậy, tìm về vốn NH sẽ là lựa chọn của DN, nhưng ai có thể vay được vốn NH với mặt bằng lãi suất mới, đang là câu chuyện của thị trường lúc này.  
“Chiếc áo” tín dụng hiện tại quá chật so với nhu cầu phục hồi sau dịch của cộng đồng DN. Và khi các kênh vốn khác bị nghẽn, DN quay lại NH sẽ càng làm “chiếc áo” này căng thêm. 

Các tin khác